Video Tin trong nước

Phê duyệt sách giáo khoa tiếng Trung: Bất thường hay bình thường?

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 5, trong đó có một số bản tiếng Trung lớp 3, lớp 4. Tuy nhiên một số tài khoản trên mạng xã hội đang chia sẻ và cố tình xuyên tạc nội dung gây hoang mang dư luận.
21:13 - 09/12/2023

PHÊ DUYỆT SÁCH GIÁO KHOA TIẾNG TRUNG: BẤT THƯỜNG HAY BÌNH THƯỜNG?

“Vừa ban hành Quyết định bỏ Tiếng Anh khỏi môn thi bắt buộc thì Bộ Giáo dục ký phê duyệt SGK tiếng Trung Quốc; Bỏ tiếng Anh để bắt buộc học sinh học tiếng Trung Quốc;”… Đây chỉ là một số thông tin xuyên tạc đang lan truyền trên mạng xã hội về quyết định phê duyệt SGK tiếng Trung Quốc lớp 3, lớp 4 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Thực tế, SGK tiếng Trung Quốc lớp 3,4 vừa được phê duyệt nằm trong danh mục gồm 44 sách giáo khoa các môn học, hoạt động giáo dục lớp 5 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố theo đúng lộ trình phê duyệt SGK của chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây là việc làm hoàn toàn bình thường để các địa phương có cơ sở lựa chọn loại sách phù hợp với điều kiện và nhu cầu của học sinh.

Với góc độ sách giáo khoa của các môn ngoại ngữ, thực tế, ở chương trình GDPT 2006, ngoại ngữ là môn học chính thức từ lớp 6 đến lớp 12, trong đó đã bao gồm 4 môn Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Nga và Tiếng Trung Quốc. Nghĩa là môn Tiếng Trung Quốc không phải bây giờ mới được đưa vào chương trình giáo dục. Điểm khác của Chương trình GDPT mới 2018 là bên cạnh 4 môn ngoại ngữ này thì còn thêm 3 môn nữa là Tiếng Nhật, Tiếng Hàn và Tiếng Đức. Như vậy, tiếng Trung Quốc cũng chỉ là 1 trong số các môn ngoại ngữ được lựa chọn để học và không có sự phân biệt nào. Việc hiểu sai, xuyên tạc sách giáo khoa tiếng Trung Quốc có thể ảnh hưởng tiêu cực tới chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa; nỗ lực dạy và học môn ngoại ngữ trong các trường phổ thông và gây tâm lý hoang mang trong xã hội.

Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên tỉnh táo khi tiếp cận thông tin và nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo, tránh những hành vi xuyên tạc, tiêu cực vô hình chung có thể dẫn tới vi phạm pháp luật. 

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị các cơ quan chức năng điều tra, xử lý những hành vi sai phạm trên theo đúng quy định của pháp luật./.

Thực hiện: Anh Vũ – Trọng Đại