Video Tin trong nước

Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện Nghị quyết 43 về phục hồi, phát triển KTXH

Sáng 25/5 các ĐBQH thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo NQ của QH về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện NQ số 43 của QH khóa 15 về phát triển KTXH và các NQ của QH về một số dự án quan trọng QG đến hết năm 2023".
22:31 - 25/05/2024

Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện Nghị quyết 43 về phục hồi, phát triển KTXH

Tại phiên thảo luận, các ý kiến đại biểu đều cho rằng, việc Quốc hội Khóa 15 ban hành Nghị quyết số 43 là hết sức kịp thời, hợp lòng dân. Các chính sách đưa ra trong Nghị quyết có tính chiến lược, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, bổ sung nguồn lực lớn từ ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn huy động khác để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, vực dậy cả cung và cầu của nền kinh tế.

Cho ý kiến về một số vấn đề cụ thể, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, trong Nghị quyết 43, Quốc hội đã cho phép thực hiện 3 cơ chế đặc thù trong việc triển khai các dự án giao thông quan trọng là phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có đủ năng lực làm chủ quản đầu tư, cho phép chỉ định thầu đối với một số gói thầu và cho phép nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản. Tuy nhiên, do khối lượng các dự án triển khai lớn, lại cùng thời điểm, nên việc thực hiện vẫn còn lúng túng, vướng mắc.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị đánh giá kỹ lưỡng việc kéo dài thực hiện các chính sách đặc thù trong Nghị quyết số 43 về việc cho phép chỉ định thầu đối với một số gói thầu thời gian tới.

Cũng tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, trong số các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế theo Nghị quyết 43 của Quốc hội, chính sách miễn giảm 2% thuế VAT có tác động lớn nhất. Chỉ trong năm 2022, tổng số thuế VAT được giảm là gần 44,5 nghìn tỷ đồng và sau đó, Quốc hội đã thông qua việc tiếp tục thực hiện chính sách này đến nửa đầu năm 2024. Tuy nhiên, trước những khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều ý kiến đề nghị nên tiếp tục kéo dài thêm thời gian thực hiện.

Một số đại biểu cũng đề nghị, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm thực hiện các giải pháp như báo cáo giám sát đã đề ra, đặc biệt, chú trọng phân bổ ngân sách hợp lý; có cơ chế rõ ràng, đồng bộ thể hiện trong các văn bản pháp lý để triển khai hiệu quả phân cấp, phân quyền cho địa phương để địa phương được linh hoạt sử dụng kinh phí phù hợp với tình hình, điều kiện của địa phương, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả./.

Thực hiện: Huy Vinh - Quốc Hùng