Video Tin trong nước

Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án luật Thủ đô (sửa đổi)

# Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 6, chiều nay, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
23:23 - 10/11/2023

Nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Thủ đô lần này là nhằm tạo cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ nhưng cũng đồng thời là giao nhiệm vụ cho chính quyền thành phố Hà Nội trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, mô hình chính quyền đô thị được nêu trong dự thảo Luật có điểm khác với TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng là vẫn giữ lại HĐND cấp quận, chỉ bỏ HĐND cấp phường. Sở dĩ quy định như vậy là để tránh những khó khăn, vướng mắc mà TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đang gặp phải.

Liên quan tới quy định về mô hình thành phố trong thành phố, trong báo cáo giải trình của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng nên để sau vì hiện Hà Nội chưa có mô hình này. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh cho rằng, như vậy là chưa hợp lý bởi thể chế cần phải đi trước.

Cho ý kiến vào Điều 17 của Dự thảo Luật quy định về công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh cho rằng, nếu chúng ta đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chỉ tập trung vào người dân Hà Nội cho Thủ đô Hà Nội, thì chưa hợp lý.

Về quy định phân quyền trong việc quyết định số biên chế tăng thêm ở điểm b khoản 1 Điều 9, nhiều ý kiến đề nghị không quy định nội dung này trong Luật bởi hiện nay, biên chế trong toàn hệ thống chính trị đang được Bộ Chính trị trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và quyết định giao biên chế cho các địa phương./.

Thực hiện: Huy Vinh – Quốc Hùng