Đánh giá các dự án này sẽ tạo điều kiện cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là về giao thông vận tải, đồng thời giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh, đoàn Lào Cai đề nghị Chính phủ tính toán kỹ phương án bố trí nguồn vốn đầu tư cho các dự án này, đồng thời cần ban hành các tiêu chí, nguyên tắc và hướng dẫn cụ thể cho các địa phương trong bố trí nguồn vốn đầu tư cho các dự án đường cao tốc.
Đồng ý với phương án tách công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư thành dự án độc lập trong quyết định đầu tư, một số đại biểu đề nghị cân nhắc thành lập Ban chỉ đạo chung cho 3 dự án để có cơ chế thống nhất mức giá đền bù giải phóng mặt bằng, đảm bảo đời sống của người dân trong vùng dự án.
Trả lời một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về các dự án này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, về tiến độ giải ngân, sau khi Quốc hội thông qua Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết để tiến hành song song cả công tác giải phóng mặt bằng và lập dự án đầu tư. Bộ Giao thông Vận tải dự tính đến giữa năm 2023 hoặc quý 4 năm 2023 có thể khởi công và cho nhà đầu tư tạm ứng một phần triển khai theo quy định của pháp luật. Về giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng cho rằng, điểm quan trọng nằm ở sự vào cuộc của các địa phương.
Về phân cấp, Bộ trưởng cho biết đã trình bày trong Tờ trình của Chính phủ, mặc dù địa phương sẽ lúng túng trong triển khai, nhưng đối với 3 dự án này, Bộ Giao thông vận tải sẽ làm đầu mối cùng với các địa phương tiến hành kiểm tra tiến độ, tháo gỡ khó khăn giúp các địa phương thực hiện. Dự kiến, Chính phủ cũng tổ chức họp thường xuyên, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong thực tế…
Huy Vinh - Chí Phương
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.