Phát biểu tại phiên thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với các chính sách của Nhà nước được quy định trong dự thảo Luật về việc Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong việc phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, song một số đại biểu cho rằng các điều khoản cụ thể của dự thảo Luật chưa thể chế được đầy đủ chủ trương xã hội hóa dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Cụ thể, Điều 90 dự thảo Luật quy định về xã hội hóa còn chung chung, chưa bảo đảm sự bình đẳng giữa cơ sở ngoài công lập và công lập, chưa cụ thể chính sách khuyến khích sự tham gia của khu vực ngoài công lập, chưa có phân tách vùng thuận lợi vùng khó khăn để khuyến khích đầu tư vào vùng khó khăn.
Liên quan tới mô hình bác sỹ gia đình, nhiều ý kiến cho rằng, đây là mô hình có nhiều ưu điểm, được phát triển rộng rãi ở nhiều nước tiên tiến, tuy nhiên chưa được quan tâm, chưa có nhiều quy định cụ thể để phát triển tại Việt Nam.
Về thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề, đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép hành nghề tại Điều 26 dự thảo luật quy định thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép hành nghề thuộc thẩm quyền của Hội đồng y khoa quốc gia, đại biểu Phạm Thị Kiều – đoàn Đắk Nông cho rằng, quy định như vậy là chưa hợp lý.
Ngoài ra, một số đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung thêm quy định về nội dung giáo dục sức khỏe. Theo đó, giáo dục sức khỏe cần phổ cập trong xã hội trở thành môn học bắt buộc trong hệ thống trường học, ngay từ cấp tiểu học để trang bị cho công dân ý kiến thức y học cần thiết để tự chăm sóc bản thân và hỗ trợ người xung quanh trong trường hợp cần thiết.
Huy Vinh - Chí Phương
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.