Video Tin trong nước

Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Trong phiên làm việc chiều ngày 29/11 tại hội trường, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nhiều luật với đa số phiếu tán thành.
19:37 - 29/11/2024

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT QUẢN LÝ VÀ ĐẦU TƯ VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP

Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư công (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu đồng tình với sự cần thiết phải sửa luật để tạo một cơ chế quản lý mới, phân định rõ quyền và trách nhiệm giữa: Quản lý của cơ quan đại diện chủ sở hữu với Quản trị của doanh nghiệp, để tạo một cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời có cơ chế phù hợp để quản lý có hiệu quả tiền vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp theo nguyên tắc: ở đâu có tiền nhà nước đầu tư thì cũng phải có cơ chế theo dõi, quản lý tiền vốn ở đó.

Liên quan đến đảm bảo tiền vốn đã đầu tư vào doanh nghiệp được quản lý, sử dụng đúng mục đích, phòng ngừa rủi ro, theo các đại biểu, cơ quan đại diện chủ sở hữu phải cử bộ phận giám sát, độc lập để giám sát các hoạt động của doanh nghiệp và người đại diện chủ sở hữu.

Quan tâm đến việc quản lý doanh nghiệp của tổ chức Công đoàn, cụ thể tại điều 35 dự thảo luật quy định về chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, có ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi điều 35 thành: tiền thu được sau khi trừ đi các khoản chi trong quá trình chuyển đổi, chuyển nhượng phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp được nộp ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước, được nộp tài chính của tổ chức Công đoàn đối với các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý.

Các đại biểu cũng cho rằng phải có cơ chế phù hợp để quản lý có hiệu quả tiền vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp theo nguyên tắc: ở đâu có tiền nhà nước đầu tư thì phải có cơ chế theo dõi, quản lý tiền vốn ở đó. Do đó phải tăng cường công tác giám sát.

Để đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các quyết định của doanh nghiệp, có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu, xem xét tập trung vào quyền và trách nhiệm chủ yếu của cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước.

Tại phiên họp, các đại biểu cũng cho rằng việc phân phối lợi nhuận quy định như trong dự thảo luật sẽ không khuyến khích được các doanh nghiệp kinh doanh tốt, có lợi nhuận cao. Vì vậy, việc phân phối lợi nhuận trước hết phải dành để thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch được giao như tăng vốn, trích nộp ngân sách, trích lập các quỹ tích luỹ để đầu tư phát triển, trích lập quỹ dự phòng, phần còn lại phân phối tăng thu nhập cho cán bộ quản lý và người lao động được hưởng theo kết quả kinh doanh./.

Thực hiện: Thu Hương – Quốc Hùng