TẠO ĐIỀU KIỆN CHO CÔNG DÂN TRONG LĨNH VỰC XUẤT NHẬP CẢNH
Đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và người nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Đây là nhận định của đa số đại biểu trong phiên thảo luận chiều nay tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch, nên việc để mức thời gian nhập cảnh 45 ngày đối với người nước ngoài là vẫn ở mức thấp. Vì vậy, Ban Soạn thảo cần nghiên cứu lại, nếu đảm bảo được an ninh thì nên lấy mức theo mức chung của Đông Nam Á và châu Á, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hợp tác phát triển du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài thông qua xuất nhập cảnh.
Về quy định, chỉ cấp hộ chiếu gắn chíp điện tử cho công dân từ 14 tuổi trở lên khi có yêu cầu, không cấp cho công dân chưa đủ 14 tuổi được quy định tại khoản 2, điều 6 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, nhiều đại biểu cho rằng chưa phù hợp, nhất là khi Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) cũng do Bộ Công an soạn thảo vừa trình Quốc hội xem xét tại vào kỳ họp này đã đề xuất cấp thẻ CCCD cho cả trẻ em chưa đủ 14 tuổi.
Với quy định việc tạm trú của người nước ngoài qua cửa khẩu phải đăng ký với công an, các đại biểu đề nghị nên bổ sung thêm lực lượng biên phòng. Bởi, vai trò của đồn biên phòng ở khu vực biên giới được quy định rất rõ trong các Luật đã được Quốc hội thông qua. Bộ đội biên phòng cũng phải nắm bắt được các đối tượng người nước ngoài cư trú ở các vùng biên giới để góp phần làm tốt công tác quản lý biên giới cũng như làm tốt công tác phòng chống tội phạm, phòng chống buôn lậu, ma tuý
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đồng tình với việc bổ sung thông tin “nơi sinh” vào giấy tờ xuất nhập cảnh là cần thiết vì đây là thông tin bắt buộc mà công dân phải khai để cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh. Khi có thông tin nơi sinh trên giấy tờ xuất nhập cảnh sẽ tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc xin thị thực, nhập cảnh, cư trú và làm các thủ tục liên quan ở các nước có yêu cầu in thông tin nơi sinh trong hộ chiếu./.
Thực hiện: Thu Hương – Quốc Hùng