QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 và một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước, các đại biểu đánh giá cao Chính phủ cùng với các Bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực trong việc thu ngân sách nhà nước. Theo báo cáo, Chính phủ dự kiến thu ngân sách năm 2024 sẽ tăng 10% so với năm 2023. Trong dự toán ngân sách 2025, Chính phủ yêu cầu tăng thu thêm 5% so với năm 2024. Về tiết kiệm chi thường xuyên và đầu tư công, Chính phủ yêu cầu tiết kiệm 5% chi thường xuyên để tăng đầu tư phát triển. Để thực hiện hiệu quả, các đại biểu kiến nghị nhiều giải pháp.
Cùng chung mối quan tâm, đại biểu Cầm Hà Chung (Đoàn Phú Thọ) cho biết, theo tờ trình, Chính phủ có đề xuất cho phép dành 5% nguồn tiết kiệm chi thường xuyên để thực hiện chính sách xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đại biểu cho rằng, chủ trương này rất tốt, phù hợp. Tuy nhiên, đại biểu cũng băn khoăn, bởi, theo quy định ngày 13/11 tới đây, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết này. Trong khi địa phương đã xây dựng dự toán từ đầu năm, nhiều địa phương cơ bản đã giải ngân hết. Nếu cắt giảm 5% thì địa phương không biết sẽ lấy nguồn ở đâu?.
Nhấn mạnh tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm 2024 của cả nước thấp hơn cùng kỳ năm 2023, ngoài những dự án lớn, dự án trọng điểm quốc gia thì các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong cả nước đang bị "tắc", có ý kiến cho rằng nguyên nhân của tình trạng trên là vấn đề nguyên vật liệu.
Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng băn khoăn đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn chưa được quan tâm đúng mức, đầu tư về cơ sở vật chất trong lĩnh vực giáo dục, y tế, khoa học công nghệ còn hạn chế... Bên cạnh đó, việc thực hiện tự chủ vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc do các bệnh viện, trường đại học công lập phải trả tiền lãi cho khoản vay ngân hàng khi đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật.
Giải trình về nội dung các đại biểu nêu, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, về tự chủ tài chính, có các mức độ tự chủ khác nhau như: Tự chủ một phần, tự chủ thường xuyên, tự chủ toàn diện. Vừa qua, một số đơn vị tự chủ toàn diện như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K đã xin được tự chủ một phần, Chính phủ đã đồng tình. Đối với việc quản lý các loại tài sản trong đơn vị sự nghiệp công lập, Luật Quản lý sử dụng tài sản công đã có những quy định cụ thể. Về vấn đề tiết kiệm chi thường xuyên, Bộ trưởng Hồ Đức Phơc cho biết: Việc chi thường xuyên cho trả tiền lương chiếm tới 45%, còn lại 65% là các khoản chi khác.
Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Các ý kiến phát biểu nhất trí cần thiết sửa đổi Luật để đáp ứng chủ trương xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại theo chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chiều nay, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo luật này./.
Thực hiện: Thu Hương – Quốc Hùng