Video Tin trong nước

Quốc hội thảo luận về phòng chống tội phạm, tham nhũng

Hôm nay ngày 21/11, Quốc hội thảo luận về các báo cáo công tác của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.
15:14 - 21/11/2023

Quốc hội thảo luận về phòng chống tội phạm, tham nhũng

Trước khi tiến hành thảo luận ở hội trường, Quốc hội đã nghe Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023; Báo cáo công tác năm 2023 của Viện trưởng Viện KSNDTC; Báo cáo công tác của TANDTC năm 2023; Báo cáo về công tác thi hành án năm 2023; Báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2023; Báo cáo và Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.

Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm đạt 81,61%; trong đó án rất nghiêm trọng đạt 93,2%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,62%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Tuy nhiên, số vụ phạm tội về trật tự xã hội tăng 18%, số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế được phát hiện tăng hơn 11,69% và số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện tăng hơn 51,63%.

Cơ bản đồng tình với báo cáo của các cơ quan tư pháp, các ý đại biểu cho rằng, các báo cáo này đã cho thấy bức tranh chung về tình hình an ninh trật tự xã hội trong năm qua cũng còn nhiều vấn đề đáng lo ngại gây bất an cho xã hội. Đặc biệt là sự gia tăng của các loại tội phạm nguy hiểm như: giết người, cướp tài sản, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, gây rối trật tự công cộng, tội phạm ma túy... Ngoài ra, công tác thi hành án dân sự, án hành chính cũng còn tồn tại một số hạn chế như số bản án, quyết định hành chính đã có hiệu lực, chưa thi hành xong vẫn còn nhiều; chưa có trường hợp nào cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước bị xử lý trách nhiệm do chậm thi hành án.

Phân tích nguyên nhân của tình trạng nhiều loại tội phạm gia tăng, đại biểu Phạm Đình Thanh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cho rằng, công tác đánh giá, dự báo tình hình chưa tốt, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức, thực hiện hiệu quả còn thấp. Đặc biệt, khâu cảnh báo phương thức, thủ đoạn phạm tội cho người dân còn hạn chế.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, với sự phát triển của truyền thông và mạng xã hội, mức độ lan toả thông tin đã biến đổi mạnh mẽ, việc khai thác các tình tiết ly kỳ, chi tiết của từng vụ án nhằm thu hút người xem đã tạo ra tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến cách nhìn nhận, hành vi của người tiếp cận thông tin. Do đó, đề nghị Chính phủ cần phân tích, làm rõ và đưa ra những giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng này, nhất là giải pháp về giáo dục hình thành, nuôi dưỡng nhân cách đạo đức con người.../.

Thực hiện: Huy Vinh - Quốc Hùng