Video Tin trong nước

Quy định rõ thẩm quyền của Tòa án khi quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng

Đa số thành viên của Ủy ban thường vụ Quốc hội đều tán thành với việc cần thiết sửa đổi pháp lệnh về Dự thảo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

23:41 - 13/12/2022

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng từ năm 2015 đến nay, Quốc hội đã ban hành nhiều luật quan trọng, có nội dung liên quan trực tiếp đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân như Luật trẻ em (sửa đổi), Luật trợ giúp pháp lý… do vậy việc sửa đổi toàn diện Pháp lệnh này là cần thiết. Liên quan đến quy định chỉ định luật sư tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng đây không phải là quy định mới, tuy nhiên cần cân nhắc để đảm bảo bao quát đẩy đủ hơn.

Thống nhất với quy định về thẩm quyền của Tòa án xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng, song Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Lê Tấn Tới cho rằng, đây là vấn đề nhạy cảm trong thực tế, do vậy cần có quy định chặt chẽ hơn. 

Cho ý kiến về dự thảo Pháp lệnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ thống nhất cao với ý kiến của Tòa án và Ủy ban Tư pháp đề nghị cho giữ như Pháp lệnh năm 2014; đồng thời nhấn mạnh quy định này phù hợp với tập quán, thông lệ quốc tế về vấn đề đối với người chưa thành niên như Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Bộ quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu Liên hợp quốc về tư pháp người chưa thành niên. Đồng tình với quy định hoãn phiên họp trong trường hợp vắng Thẩm phán hoặc Thư ký, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị đối với những vụ việc đã được Tòa án cấp huyện, Tòa án cấp tỉnh thụ lý, giải quyết theo Pháp lệnh số 09, nhưng đến ngày Pháp lệnh này có hiệu lực mà chưa giải quyết xong, thì tiếp tục áp dụng để giải quyết cho đến khi kết thúc vụ việc./.


Thực hiện: Huy Vinh – Chí Phương