SÁCH SỐ KHÔNG TRIỆT TIÊU VĂN HÓA ĐỌC
Chỉ với một chiếc điện thoại cài đặt một ứng dụng sách nói chứa hàng nghìn đầu sách, độc giả ngày nay có thể “đọc” sách ở bất cứ nơi đâu. So với sách in, sách số bao gồm sách nói, e-book, sách tóm tắt... có tính tương tác cao hơn với nhiều hình ảnh động, audio, video, biểu đồ sinh động, các tính năng tìm kiếm, ghi chú, đánh dấu, lưu trữ, tra cứu nhanh...
Năm 2022, tại Việt Nam, có 3.200 đầu sách điện tử được xuất bản với 15 triệu lượt người sử dụng (tương đương với 32-35 triệu bản sách được đọc), tăng 59% so với năm 2021. Điều này cho thấy, thói quen của người đọc đang thay đổi và không hề xa rời văn hóa đọc. Tốc độ tăng trưởng đáng kế của các công ty công nghệ phát hành sách số tại Việt Nam như Fonos, Voiz Fm, Waka... là minh chứng cho thấy tương lai phát triển của mảng xuất bản điện tử.
Con đường đến với văn hóa đọc ngày nay rất đa dạng. Trong thời đại công nghệ số thì các ấn phẩm văn hóa điện tử ngày càng lôi cuốn và hợp gu giới trẻ. Đọc giờ không còn giới hạn trên sách giấy. Các nền tảng công nghệ đã mở ra những cánh cửa tiếp cận mới cho người đọc. Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị xuất bản, phát hành đều khẳng định, sách số không thể thay thế sách giấy.
Bạn đọc ở đâu, các đơn vị xuất bản, phát hành ở đó. Ngoài việc hợp tác bán bản quyền với các công ty công nghệ trong lĩnh vực sách điện tử, Nhà xuất bản Kim Đồng cũng đang bắt đầu tự sản xuất những nội dung dạng podcast, và dự kiến trong năm nay sẽ cho ra mắt một ứng dụng sách điện tử dưới dạng truyện tranh dành cho thiếu nhi. Còn Waka, bên cạnh những mảng sách số truyền thống, sẽ tập trung phát triển và khai thác mảng sách tương tác, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để tạo ra các phần nội dung số được cập nhật... và trong cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ này, độc giả vẫn là người có lợi nhất.
Thực hiện: Lê Liên – Quốc Hùng – Lê Hải