SỢI CHỈ KẾT NỐI YÊU THƯƠNG
Làng Quất Động, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội vốn nổi tiếng với nghề thêu có lịch sử lâu đời. Tuy nhiên, vì một số lý do, nghề thêu ở đây dần mai một, nhiều gia đình cất khung thêu để chuyển sang nghề khác. Nhưng có những người vẫn đau đáu với nghề truyền thống của quê hương và đang miệt mài giữ nghề. Trong số ít ỏi đó có nghệ nhân ưu tú Hoàng Thị Khương. Chặng đường phát triển của nghệ nhân Hoàng Thị Khương khó khăn hơn nhiều so với những nghệ nhân khác bởi bà là một người khuyết tật.
Sinh ra vốn lành lặn, khi mới được vài tháng tuổi, cô bé Khương bị sốt cao, và dù đã được cứu chữa nhưng vẫn không giữ được một bên chân. Những tháng ngày tuổi thơ không được chạy nhảy vui đùa với chúng bạn, lại phải nghe những lời trêu chọc của bạn bè, dễ khiến một cô gái bé nhỏ mặc cảm tủi thân. Dù vậy, cô bé Khương khi ấy không trốn tránh mà sẵn sàng đối mặt và bồi đắp cho mình nghị lực vươn lên.
Nén lại mong ước nô đùa, cô bé đã theo mẹ học thêu ngay từ khi mới 8, 9 tuổi. Đầu tiên là những mũi thêu đơn giản, rồi đến những kỹ thuật khó, phức tạp, cách phối hợp màu sắc hài hòa, cô đều thành thạo nhanh chóng. Thiếu hụt ở đôi chân được bù đắp bởi đôi tay được rèn giũa khéo léo, tạo ra những bức tranh nghệ thuật tinh tế. Cứ thế, Hoàng Thị Khương đã trở thành một trong những nghệ nhân có tay nghề tinh xảo nhất ở làng Quất Động, tiếp tục giữ lửa nghề truyền thống của cha ông, và còn trở thành điểm tựa cho người không may mắn như mình, giúp họ tự tin hòa nhập với xã hội.
Thời gian của nghệ nhân Hoàng Thị Khương đều dành hết cho nghề thêu và hỗ trợ người khuyết tật. Đó là công việc khó khăn và âm thầm, không phải ai cũng làm được. Từ tìm kiếm khách hàng, quảng bá sản phẩm, đến hỗ trợ người thợ khuyết tật, khâu nào nghệ nhân Hoàng Thị Khương cũng phải đảm nhận. Thậm chí, với những sản phẩm của người mới vào nghề, chưa đạt yêu cầu, nghệ nhân lại cần mẫn dành thời gian chỉnh sửa sao cho thật đẹp, đạt đến độ tinh xảo.
Đối với nghệ nhân Hoàng Thị Khương, những người khuyết tật ấy không chỉ là người thợ mà đã trở thành người em, người bạn, người thân thiết trong gia đình của bà. Vì vậy, mỗi việc làm của bà luôn chứa đựng trong đó tất cả tấm lòng bao dung. Tình yêu thương được nhận từ mẹ, anh chị em trong gia đình đã được nghệ nhân nhân lên, san sẻ cho những người kém may mắn giống như mình, tạo động lực cho họ vươn lên trong cuộc sống.
Hành trình mà nghệ nhân ưu tú Hoàng Thị Khương đi qua là hành trình gian nan nhưng đầy nghị lực để đạt thành quả như ngày hôm nay. Nhìn vào những gì nghệ nhân Hoàng Thị Khương trải qua, người kém may mắn được tiếp thêm động lực và niềm tin bước đi trên con đường không bằng phẳng mà số phận mang đến cho họ. Nghệ nhân Hoàng Thị Khương đã thêu cho cuộc đời mình bức tranh của tinh thần nỗ lực, ý chí bền bỉ vươn lên. Từ đó, trao truyền cho người đồng cảnh tình yêu thương rộng lớn để họ tự tin xây dựng cuộc sống tươi sáng hơn ở phía trước.
Thực hiện: Huyền Trang – Hoàng Thuyên – Thùy Linh