Theo báo cáo, hơn 8.440 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với hơn 8.700 trẻ em bị xâm hại bằng nhiều hình thức như xâm hại tình dục, bạo lực, mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trong giai đoạn từ 2015-2019.
Thảo luận trực tuyến, một số đại biểu chia sẻ, còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho trẻ em; đồng thời công tác theo dõi, thống kê tình hình trẻ em bị xâm hại chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến, số vụ xâm hại trẻ em được phát hiện và xử lý chưa phản ánh đầy đủ tình hình thực tế.
Nhiều ý kiến cho rằng, một số chế tài quy định trong các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em không còn phù hợp, mức phạt không bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa chung, nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là yêu cầu rất bức thiết nhưng pháp luật chưa được quy định đầy đủ, dẫn tới hiệu quả công tác này chưa cao.
Công tác xây dựng pháp luật, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động giải quyết các vụ án xâm hại trẻ mặc dù đã được quan tâm và đạt nhiều kết quả, tuy nhiên, báo cáo của các cơ quan tố tụng phản ánh do thiếu văn bản hướng dẫn sự phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em nên còn khó khăn, vướng mắc trong thực hiện.
Mặc dù công tác xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em được quan tâm và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị tăng chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống bạo lực gia đình; bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa chung.
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.