Ở thời điểm đầu khi dịch Covid-19 mới được kiểm soát, nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp và người dân tăng trở lại, nhưng nhiều ngân hàng đã hết room tín dụng khiến bên có vốn không thể cho vay ra, bên “khát” vốn không thể vay được. Điều này vừa “bó chân” ngân hàng, vừa khiến hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng gần như ngưng trệ.
Quyết định giao hết chỉ tiêu tín dụng cho các tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước ngay từ đầu năm nay với mức tăng trưởng tín dụng cao – 15% - được đánh giá là phá bỏ hoàn toàn những bó buộc này, góp phần tạo sự chủ động cho dòng vốn đi vào nền kinh tế.
Năm 2024 được nhận định là sẽ có nhiều khó khăn nhưng cũng là năm phục hồi mạnh mẽ của hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, do vậy, nhu cầu về vốn là rất lớn. Ngoài việc đảm bảo lưu thông vốn, việc công khai, minh bạch và triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách lãi suất ưu đãi, hỗ trợ về tín dụng sẽ là động lực quan trọng góp phần phục hồi nền kinh tế.
Chủ trương đã có, hiệu quả sẽ phụ thuộc vào công tác triển khai. Ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân và doanh nghiệp.Tiếp tục hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; Tiếp tục có giải pháp hiệu quả đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… Cộng đồng doanh nghiệp, người dân kỳ vọng năm 2024 sẽ khắc phục những khó khăn về nguồn vốn kéo dài suốt 2 năm qua./.
Thực hiện: Vũ Đào – Ngọc Toàn