Tạo dựng niềm tin cho doanh nghiệp là vấn đề quan trọng
Nhắc lại con số được đưa ra trong báo cáo của Chính phủ về việc số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và số doanh nghiệp giải thể tăng cao, lần đầu tiên trong 5 năm qua số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm thấp hơn số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, nhiều đại biểu cho rằng, đây là thực tế đáng suy ngẫm và cần đánh giá kỹ lưỡng nguyên nhân.
Một số ý kiến cho rằng, không chỉ gặp khó khăn do tình hình chung của kinh tế thế giới, các doanh nghiệp còn đang gặp nhiều thách thức liên quan đến cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính. Đặc biệt tình trạng tín dụng tăng trưởng thấp, mặc dù lãi suất vốn vay của các ngân hàng thương mại đã giảm nhưng doanh nghiệp không hấp thụ được.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% đã đề ra trong năm nay, môt số đại biểu nhấn mạnh, việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp ổn định, đầu tư phát triển là yếu tố hết sức quan trọng, trong đó vấn đề tạo dựng niềm tin của doanh nghiệp trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cần phải được quan tâm trên hết.
Cùng với đó, nhiều ý kiến cũng đề nghị Chính phủ cần có những chính sách tài khóa mạnh mẽ hơn, trong đó cần tập trung vào các chính sách thuế hướng đến việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng của người dân.
Đa số các đại biểu cũng cho rằng, thế giới ngày nay đang biến đổi rất nhanh chóng, đặc biệt là trong 5 năm gần đây, kể từ khi có đại dịch COVID-19. Do đó, Chính phủ cần phải có những giải pháp tương thích. Bên cạnh đó, kinh tế toàn cầu hiện nay biến động khó lường, khó đoán định, bất định, vì vậy phải tăng cường phân cấp, phân quyền để các địa phương phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo. Mặt khác, với tình hình giá cả biến đổi nhanh nên thủ tục trong đầu tư công về tổng vốn đầu tư hay thủ tục điều chỉnh quy hoạch cục bộ cần sớm luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù./.
Thực hiện: Huy Vinh - Quốc Hùng