Thách thức trong chuyển đối số đối với Hà Nội
Thành phố Hà Nội đang hướng tới mục tiêu đến 2025, 100% văn bản của thành phố sẽ được ban hành số và chữ ký số; Kinh tế số chiếm 30% trong tỷ trọng GRDP; phấn đấu 80% người dân có tài khoản điện tử để thanh toán điện tử, trên 50% có chữ ký số cá nhân để giao dịch trên các nền tảng thanh toán và thanh toán cho các dịch vụ công trực tuyến. Đối với thành phố thông minh, Hà Nội đang triển khai đề án giao thông thông minh như thẻ vé xe buýt điện tử; Trong lĩnh vực y tế thông minh, Hà Nội đang triển khai sổ sức khỏe điện tử và nhiều mô hình khác.
Tập đoàn VNPT là đối tác của Hà Nội trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu để phục vụ chuyển đổi số. Đơn vị này cho biết, Hà Nội đang tích cực trong việc chuyển đổi số song còn rất nhiều khó khăn, thách thức như thiếu nguồn lực con người và hệ thống cơ chế chính sách chưa hoàn thiện.
Theo một số chuyên gia, để Hà Nội triển khai thành phố thông minh, cần đủ 3 yếu tố là con người - thể chế - công nghệ, trong đó vướng mắc lớn nhất liên quan vấn đề thể chế.
Trong nỗ lực chuyển đổi số, ngành y tế Hà Nội có nhiều tiến bộ nhất với 7,6 triệu sổ sức khỏe điện tử đã được phát hành cho người dân, phấn đấu đến hết năm 2023 sẽ hoàn thành trên 10 triệu sổ sức khỏe cho toàn bộ người dân cư trú trên địa bàn. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề án 06 để số hóa dữ liệu dân cư.
Tuy nhiên, một số chuyên gia kiến nghị, để chuyển đổi số, thực hiện thành công thành phố thông minh, Hà Nội cần đẩy mạnh hoàn thiện dữ liệu, nâng cao trình độ quản lý, vận hành dữ liệu đảm bảo đúng - đủ - sạch - sống, đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế phục vụ cho hạ tầng số và đặc biệt là hạ tầng dữ liệu như một hạ tầng thiết yếu của đô thị, là nền tảng để thông minh hóa các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế - xã hội./.
Thực hiện: Cao Thắng – Trọng Khánh