Thái Nguyên: Đặc sắc điệu múa Tắc Xình của người Sán Chay
Theo quan niệm tín ngưỡng của người Sán Chay, múa Tắc Xình (múa Cầu mùa) mang ước nguyện của con người, về một năm tiết trời thuận lợi, muôn loài sinh sôi, lúa ngô được mùa, bản làng bình yên, hạnh phúc. Đồng thời thể hiện đạo lý tưởng nhớ tổ tiên, là cầu nối tâm linh giữa đất trời và lòng người, cõi sống và cõi chết, thế hệ trước và thế hệ sau, thắp lên niềm tin, khát vọng chinh phục thiên nhiên của người dân lao động.
Múa Tắc Xình hội tụ các yếu tố của trình diễn dân gian, trải qua thời gian dài tồn tại, phát triển đã được cộng đồng người Sán Chay thừa nhận và lưu truyền qua nhiều thế hệ, trở thành một di sản phi vật thể đặc sắc cấp quốc gia của tỉnh Thái Nguyên và đang được đồng bào nơi đây bảo tồn, gìn giữ, truyền lại cho các thế hệ trẻ tiếp nối.
Múa Tắc Xình có giá trị lịch sử, văn hóa của di sản văn hóa phi vật thể với đời sống cộng đồng, là một điệu múa đặc sắc, được các thế hệ người Sán Chay ở Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên lưu giữ và bảo tồn bằng hình thức truyền miệng và truyền dạy trực tiếp, cho nên đến nay, các động tác múa vẫn mang tính thống nhất, rất ít dị bản với các địa phương khác, tồn tại trải qua thời gian và không gian với nhiều thăng trầm của lịch sử múa Tắc Xình đã khẳng định vị trí và sức sống của mình.
Với động tác múa và âm nhạc đơn giản, dễ thực hành nên nghệ thuật múa dân gian Tắc Xình luôn tồn tại, hiện hữu trong đời sống, được cộng đồng người Sán Chay ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên lưu giữ đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, đặc sắc./.
Thực hiện: Thế Hùng - Trọng Khánh