Là một người đam mê du lịch, chị Tú Anh đã từng đi rất nhiều nơi cả trong và ngoài nước và có những tấm hình tại những đồi chè bạt ngàn ở Mộc Châu hay Phú Thọ… thế nhưng đây là lần đầu tiên chị được tìm hiểu rõ hơn về các công đoạn sản xuất ra một sản phẩm đặc trưng của vùng đất Tân Cương, Thái Nguyên. Điều này đem đến một trải nghiệm thú vị đối với chị.
Việc được tham quan, trải nghiệm tìm hiểu về lịch sử, nguồn gốc cây chè và các công đoạn từ hái chè, héo chè, vò chè, cho đến lấy hương giúp du khách có được thêm những kiến thức mới trong quá trình đi du lịch, đồng thời tin dùng vào sản phẩm do chính người dân địa phương làm ra.
Với bản thân tôi thì tôi thấy đây là 1 trải nghiệm hết sức thú vị và nó không những tăng sự hiểu biết cho du khách mà còn nó còn làm cho mình hiểu biết hơn về sản phẩm và cách thưởng trà, cái đấy đối với tôi rất quan trọng. Tôi đã có những trải nghiệm rất thú ví dụ như uống cà phê tại đất Buôn Mê Thuột sau khi được giới thiệu về cà phê, uống rượu vang ở vùng Bordo sau khi được thăm quy trình sản xuất và bảo quản và những điều đấy đều để lại những ấn tượng rất tốt cho tôi và cho mãi sau này.
Được mệnh danh là vùng đất “Đệ nhất danh trà”, cây chè gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân Thái Nguyên, ngoài việc đem lại giá trị kinh tế lớn, cây chè còn là tiềm năng phát triển du lịch cho người dân địa phương. Hiện tại, đã có một số HTX chè trên địa bàn xây dựng các mô hình trải nghiệm gắn với văn hóa trà phục vụ khách du lịch.
Phát triển du lịch cộng đồng không chỉ đem đến cho du khách những trải nghiệm mới về cuộc sống và bản sắc văn hóa của người dân bản địa mà nó còn đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội cho người dân địa phương thông qua tạo ra việc làm, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.
Tiến Dũng – Chí Phương
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.