Video Tin trong nước

Thăm Bến Nhà Rồng – Nơi bến nước tiễn Người đi

Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ tự hào là thành phố được mang tên Bác, mà nơi đây còn rất nhiều di tích gắn với cuộc đời hoạt động của Bác Hồ, trong đó nổi bật là di tích Bến Nhà Rồng.
17:43 - 02/09/2022

Nơi đây, vào ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với ý chí và quyết tâm mãnh liệt đã rời quê hương để tìm con đường giải phóng dân tộc.

“Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những gì tôi muốn, đấy là tất cả những gì tôi hiểu” đó là quyết tâm khắc sâu trong tâm trí người thanh niên Nguyễn Tất Thành khi bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước từ Bến Nhà Rồng. Đây là điểm khởi đầu cuộc hành trình đã làm nên bước ngoặt lớn cho Cách mạng Việt Nam, làm thay đổi hướng phát triển của lịch sử, thay đổi số phận của cả dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20.

Bến Nhà Rồng là nơi mang đậm dấu ấn và giá trị lịch sử. Sau ngày miền Nam được giải phóng, Ủy Ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định khôi phục ngôi Nhà Rồng thành Khu di tích Bác Hồ. Đến năm 1982 nơi đây được đổi tên thành “Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Sau hơn 10 năm hoạt động, đến ngày 30/10/1995, Ủy Ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định đổi tên “Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh” thành “Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh”.

Nằm gần cây cầu Khánh Hội, tại số 1 đường Nguyễn Tất Thành, Phường 12, Quận 4, TP. Hồ Chí Minh, qua 6 lần chỉnh lý, hiện nay, hệ thống trưng bày cố định của Bảo tàng gồm 7 phòng, 8 gian trưng bày phản ánh đầy đủ và sinh động những sự kiện lịch sử trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đặc biệt có 3 phòng trưng bày riêng cho sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.

Không chỉ ý nghĩa về mặt lịch sử, Bến Nhà Rồng – Bảo tàng Hồ Chí Minh còn có giá trị cao về kiến trúc. Bến nhà Rồng ban đầu là một thương cảng lớn ở Sài Gòn, được xây dựng từ năm 1864 trên sông Sài Gòn. Gọi là Bến Nhà Rồng vì ở đó có một tòa nhà mang lối kiến trúc phương Tây nhưng trên đỉnh lại được gắn hai con rồng nên được người dân gọi là Nhà Rồng. Đây cũng là công trình đầu tiên do Pháp xây dựng từ sau khi chiếm được Sài Gòn. Sau năm 1955, ngôi nhà được tu sửa phần mái và thay hai con rồng cũ thành mới với tư thế quay đầu ra. Từ đó đến nay, kiến trúc của nơi đây hầu như được giữ nguyên vẹn.

Trong những ngày mùa thu lịch sử này, người dân Thành phố Hồ Chí Minh và người dân từ khắp nơi trong nước lại về thăm Bến Nhà Rồng , để cùng nhìn lại và ghi nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ đó ra sức xây dựng quê hương và bảo vệ Tổ quốc.

 Giang Nam – Nhật Uyên

Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.