Những cánh rừng bạt ngàn của Tây Nguyên xưa từng là khoảng không gian gắn bó của biết bao người. Với Rơ Châm Khánh cũng vậy, rừng cũng từng là một người bạn với biết bao kỉ niệm đẹp nhưng giờ chỉ còn là nỗi nhớ tha thiết.
Nguyên liệu để chế tác nhạc cụ truyền thống của Tây Nguyên đều xuất phát từ những cánh rừng. Đó là lý do, ngoài công việc mưu sinh, Rơ Châm Khánh lại dành nhiều ngày rong ruổi từ cánh rừng này đến cánh rừng kia tìm nguyên liệu cho các loại nhạc cụ mà anh muốn chế tác.
Không phải loại đá tự nhiên nào cũng chứa đựng trong đó thanh âm vang vọng của đại ngàn. Chỉ một số loại rất ít mới có đủ các nốt để tạo thành một bộ nhạc cụ hoàn chỉnh. Đá phải là loại đá bàn nằm trên núi và rỗng bên trong sẽ cho thanh âm kêu và hay. Đá cứng quá không thể tạo thanh âm chuẩn. Vì vậy, việc đi tìm đá là công việc không hề dễ dàng cho bất cứ ai đam mê đối với loại đàn này.
Bầu trời đại ngàn của Tây Nguyên, có những hôm vang lên tiếng chim hót ríu rít. Nhưng là tiếng chim phát ra từ một chiếc sáo. Những âm thanh cao vút và réo rắt của sáo chẳng khác nào tiếng chim tự do đang vỗ cánh trên bầu trời, cùng gọi mùa xuân về. Tiếng sáo ấy, khiến cho người sáng tạo ra nó cảm thấy mình đang có những phút giây được trở về thiên nhiên, được gần với núi rừng, được hòa mình với màu xanh của cỏ cây. Mỗi âm thanh của một loại nhạc cụ ra đời từ núi rừng đều mang âm hưởng riêng của đại ngàn.
Là một người trẻ, tiếp cận với nhiều nền âm nhạc khác nhau, Rơ Châm Khánh luôn sáng tạo những cái mới mẻ góp thêm sự phong phú cho nhạc dân tộc. Bên cạnh các loại đàn truyền thống, Khánh còn miệt mài sáng tạo các dụng cụ tạo tiếng suối, tiếng gió được làm từ tre nứa, góp thêm âm thanh cho bản nhạc của núi rừng.
Những chàng trai trẻ đam mê như Khánh chính là những thanh âm góp phần giữ âm thanh vang vọng của bản làng.
Mời quý vị xem các chương trình Muôn màu cuộc sống đã phát sóng tại đây./.