Tháo gỡ những vướng mắc trong xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp với giáo viên
Gần 3 năm mới có một đợt xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, các thầy cô giáo đều cảm thấy rất phấn khởi. Những người đủ điều kiện xét thăng hạng theo tiêu chuẩn từ đợt trước (năm 2020) thì đến đợt này (năm 2023) hồ hởi nộp hồ sơ. Tuy nhiên, nhiều thầy cô lại bất ngờ khi mình không thuộc diện được xét thăng hạng đợt này do không đủ điều kiện theo quy định mới. Trước đây, giáo viên tiểu học chỉ cần bằng Trung cấp, giáo viên THCS chỉ cần có bằng Cao đẳng trở lên. Sau khi Luật Giáo dục 2019 ra đời, để dạy các cấp học này, giáo viên phải có bằng Đại học. Bên cạnh đó, nếu đợt xét thăng hạng 2020 chỉ yêu cầu giáo viên có 6 năm công tác và 1 năm có bằng Đại học là đủ tiêu chuẩn thì đợt xét thăng hạng năm nay lại yêu cầu giáo viên phải có đủ 9 năm có bằng Đại học mới được xét thăng hạng.
Nhận thấy những bất cập đặc biệt đối với những giáo viên công tác lâu năm, có nhiều cống hiến cho ngành, ngày 15/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức gửi công văn cho UBND các tỉnh thành làm rõ các nội dung về bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, xếp lương giáo viên. Theo đó, công văn khẳng định khi bổ nhiệm, chuyển xếp chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học và THCS chỉ căn cứ vào tiêu chuẩn trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề; không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng được bổ nhiệm. Công văn cũng đưa ra các ví dụ chi tiết để một lần nữa khẳng định không yêu cầu giáo viên phải có bằng đại học đủ 9 năm mới được xét thăng hạng như một số địa phương đang làm.
Bên cạnh niềm vui với động thái tháo gỡ vướng mắc mới nhất từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, các giáo viên còn đang chờ ý kiến từ các Sở Nội vụ để nộp lại hồ sơ từng bị trả về với lý do không đạt tiêu chuẩn giữ bằng đại học đủ 9 năm./.
Thực hiện: Anh Vũ – Quốc Hùng – Trọng Đại