THÍ ĐIỂM THỰC HIỆN DỰ ÁN NHÀ Ở THƯƠNG MẠI: KHƠI THÔNG NGUỒN LỰC ĐẤT ĐAI
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, Nghị quyết được xây dựng nhằm tiếp tục cụ thể hóa chủ trương đường lối của Đảng về “Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại”, tạo lập hành lang pháp lý để quản lý thị trường quyền sử dụng đất, thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, bổ sung thêm phương thức tiếp cận đất đai để thực hiện các dự án nhà ở thương mại mà trong Luật Đất đai hiện chưa cho phép.
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu đồng tình với việc ban hành Nghị quyết nhằm tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực đất đai. Về phạm vi thí điểm, một số ý kiến đồng tình với việc thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc nhưng “không phải mang tính chất đại trà, chung chung”.
Liên quan đến tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm, Dự thảo Nghị quyết quy định dự án thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất không quá 30% diện tích đất ở tăng thêm trong kỳ quy hoạch (so với hiện trạng sử dụng đất ở), có ý kiến đề nghị làm rõ hơn xung quanh mức 30% mà Chính phủ đưa ra.
Với dự án nhà ở thương mại thực hiện thông qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) đề nghị, phải có quy định chặt chẽ hơn để bảo đảm an ninh lương thực, duy trì diện tích đất lúa ở mức 3,5 triệu ha đến năm 2030.
Theo các đại biểu, cần tổ chức đánh giá, khảo sát nhu cầu sử dụng đất làm nhà ở nói chung và nhu cầu sử dụng nhà ở thương mại nói riêng trong lực lượng quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đảm bảo việc sử dụng đất hợp lý, phù hợp với nhu cầu và hiệu quả trên thực tế. Các đại biểu đề nghị làm rõ việc sử dụng đất có nguồn gốc từ đất quốc phòng, đất an ninh để thực hiện dự án.
Từ những băn khoăn trên, đại biểu Nguyễn Tạo, đoàn Lâm Đồng đề nghị tách thành Nghị quyết riêng, quy định rõ đất dành cho an ninh, quốc phòng.
Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, đối với diện tích đất quốc phòng, đất an ninh thì phải có văn bản chấp thuận của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và thực hiện theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 84. Còn đất có nguồn gốc quốc phòng, an ninh, Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp thu và loại ra khỏi Dự thảo Nghị quyết. Về bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ đất trồng lúa, đất trồng rừng, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai 2024 hay thực hiện theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết thì tất cả các dự án đều phải tuân thủ quy hoạch và quy hoạch phải bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu héc ta đất lúa và độ che phủ rừng./.
Thực hiện: Thu Hương – Quốc Hùng