Thủ tướng chủ trì họp thường trực chính phủ về xây dựng pháp luật
Trước tình hình mưa lũ gây ảnh hương nghiêm trọng làm chết và mất tích gần 300 người, nhiều tài sản bị hư hại, phá hủy, phát biểu mở đầu cuộc họp về xây dựng pháp luật, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chia buồn tới những gia đình có người bị nạn do lũ và sạt lở đất, đồng thời yêu cầu các địa phương làm tốt chế độ chính sách, hỗ trợ người dân kịp thời hiệu quả.
Thủ tướng cho biết tình hình mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường, gây mưa lớn trên diện rộng ở Bắc Bộ, đặc biệt tại các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ gây thiệt hại to lớn về tính mạng, tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành đặc biệt là chính quyền địa phương di dời người dân đến nơi an toàn, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, không chốn ở. Các lực lượng công an, quân đội, địa phương tiếp tục tập trung lãnh đạo chỉ đạo tìm kiếm người bị nạn nhất là những người bị mất tích, người bị thương.
Thủ tướng Chính phủ kêu gọi người dân, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan, địa phương không bị thiệt hại hỗ trợ người dân, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan, địa phương bị thiệt hại, ảnh hưởng; trên tinh thần “có ít giúp ít, có nhiều giúp nhiều; có của giúp của, có công giúp công”, “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn để vượt qua lúc khó khăn này.
Về nội dung họp thảo luận và cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ các thành viên Chính phủ và lãnh đạo các bộ ngành đã nêu những ý kiến quan điểm của mình để khơi thông về thể chế chính sách trong mỗi luật, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế đất nước.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, những gì đã chín đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, được đa số đồng tình thì luật hóa, những gì chưa chín chưa rõ thì thí điểm mở rộng dần, không cầu toàn không nóng vội. Những vấn đề đưa ra, góp ý khi làm luật phải nhanh, ngắn gọn, kịp với tình hình thực tiễn, bớt thủ tục hành chính; Luật phải đề cập những vấn đề chung, không quá chi tiết và phù hợp với tình hình thực tiễn, cùng với đó phải phân cấp phân quyền, phân bổ nguồn lực, tăng cường đội ngũ làm luật như cơ chế chính sách, biên chế cho đội ngũ làm luật, cùng với đó tăng cường kiểm tra giám sát, tránh trục lợi chính sách, tham nhũng tiêu cực trong làm luật./.
Thực hiện: Vũ Khuyên - Chí Phương