THỦ TƯỚNG KÊU GỌI DOANH NGHIỆP HOA KỲ ĐẨY MẠNH HỢP TÁC THƯƠNG MẠI, ĐẦU TƯ VỚI VIỆT NAM TRONG KỶ NGUYÊN MỚI
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thương mại là lĩnh vực hợp tác kinh tế lớn nhất, thành công nhất trong quan hệ hai nước. Hợp tác thương mại đi đôi với thúc đẩy quan hệ kinh tế, đầu tư; đầu tư của doanh nghiệp Hoa Kỳ vào Việt Nam đến nay vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng nhưng cũng là sự nỗ lực lớn mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước.
Thủ tướng dành nhiều thời gian chia sẻ với các đại biểu về con đường phát triển, các yếu tố nền tảng, trụ cột, các chính sách, nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam về đối ngoại và hội nhập, phát triển kinh tế, giữ vững quốc phòng - an ninh, phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đưa đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giàu mạnh và thịnh vượng. Trong đó, quan điểm xuyên suốt của Việt Nam "coi con người là trung tâm, là chủ thể, đồng thời là mục tiêu, là động lực, nguồn lực cho sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần" cũng phù hợp xu hướng thế giới hiện nay.
Thủ tướng cho biết, sau gần 40 năm Đổi mới, từ một nước bị bao vây, cấm vận, Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với gần 200 quốc gia, trong đó có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Đối tác hiến lược và Đối tác toàn diện với 32 quốc gia; đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do với hơn 60 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, đổ nát sau chiến tranh, Việt Nam đã thuộc nhóm 34 nền kinh tế lớn nhất thế giới và nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại, kim ngạch thương mại năm nay ước sẽ đạt gần 800 tỷ USD; hiện đã thu hút hơn 400 tỷ USD đầu tư nước ngoài, riêng năm nay cố gắng thu hút 40 tỷ USD vốn FDI, giải ngân đạt hơn 25 tỷ USD.
Cùng với đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân Việt Nam không ngừng được cải thiện, tăng 11 bậc trên bảng xếp hạng hạnh phúc năm 2024. Những thành quả có được nhờ sự nỗ lực của Việt Nam, cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè, đối tác quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ.
Thủ tướng cho biết thời gian tới, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực, tạo đột phá mạnh mẽ về thể chế, xây dựng bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh với tinh thần "thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh" để giảm thời gian, chi phí tuân thủ, chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, đồng thời tăng năng suất lao động, tạo không gian phát triển mới, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam trong những lĩnh vực ưu tiên nói trên. Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị phía Hoa Kỳ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường và bãi bỏ các hạn chế liên quan xuất khẩu công nghệ cao với Việt Nam, vì lợi ích chung của cả hai đất nước và nhân dân hai nước, trong đó có việc khắc phục hậu quả chiến tranh, bom mìn, chất độc da cam tại Việt Nam.
Theo Thủ tướng, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, với nhiều vấn đề toàn cầu mà không một quốc gia đơn lẻ nào có thể giải quyết được, không quốc gia nào an toàn nếu quốc gia khác vẫn còn chiến tranh, xung đột, mất mát. Cùng với đó là nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên…