Thực hành di sản ở Việt Nam sau 20 năm tham gia công ước Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO
Năm 2023 là tròn 20 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO thông qua. Công ước nhằm gìn giữ, bảo tồn, truyền bá và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống nhân loại, tăng cường nhận thức và sự tham gia của cộng đồng các địa phương, quốc gia; thúc đẩy sự hợp tác và hỗ trợ quốc tế trong lĩnh vực này. Công ước mang giá trị toàn cầu đã có những thành quả lớn khi thế giới nhấn mạnh đến tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể.
Tỉnh Nam Định được coi là trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu với các di tích tiêu biểu như: Quần thể di tích Phủ Dầy (Vụ Bản), di tích Phủ Quảng Cung - Phủ Nấp (Ý Yên),… và nhiều địa điểm thờ Thánh Mẫu khác. “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã khẳng định những giá trị to lớn mang tính toàn cầu của di sản, đóng góp vào sự phong phú, đa dạng văn hóa của nhân loại, phản ánh sự chủ động, hội nhập tích cực của đất nước với quốc tế.
Để tiếp tục thực hiện tốt Luật Di sản văn hóa, Công ước 2003 và vai trò là Ủy viên Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003, các đại biểu kiến nghị thời gian tới Việt Nam cần tích cực và tiếp tục thực hiện các hoạt động thúc đẩy các mục tiêu của Công ước 2003, đưa ra sự tin cậy về các thực hành tốt, đưa ra khuyến nghị về các biện pháp, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả của việc ghi danh, đồng thời thúc đẩy hợp tác và hỗ trợ quốc tế trong việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
Thực hiện: Thu Hương – Lê Thanh