Video Tin trong nước

Tiếp tục tăng cường phân cấp, phân quyền trong công tác phòng cháy

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 33, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, hôm nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
06:22 - 15/05/2024

Đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; cho rằng dự thảo Luật đã cơ bản bám sát chủ trương, đường lối của Đảng về công tác này; phù hợp với quy định của Hiến pháp; bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, đây là dự án Luật rất quan trọng, tác động lớn đến tình hình kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân và doanh nghiệp, gắn với bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân. Do đó, cần khẩn trương nhưng cũng phải nghiên cứu, rà soát một cách kỹ lưỡng để khắc phục những bất cập, hạn chế, đồng thời, có những đổi mới phù hợp, khả thi, gắn với đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là các quy định về lĩnh vực phòng cháy.

Về vấn đề giải thích từ ngữ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, nhiều đoạn từ ngữ trong dự án luật vẫn còn chung chung và sẽ gây khó khăn khi áp dụng vào thực tế.

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh hoàn thiện Báo cáo thẩm tra gửi đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy theo đúng quy định và bảo đảm chất lượng; Chính phủ chỉ đạo Ban soạn thảo khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bổ sung các báo cáo, hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu, gửi về Ủy ban Thường vụ Quốc hội để gửi cho đại biểu Quốc hội đúng thời gian./.

Thực hiện: Huy Vinh - Quốc Hùng