Tìm giải pháp thúc đẩy, phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe
Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng hiện nay, du lịch chăm sóc sức khỏe đang trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở các nước như Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… Sở hữu nền y học cổ truyền lâu đời, hiệu quả với nhiều loại thảo dược bản địa quý, Việt Nam hoàn toàn có đủ lợi thế để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là các sản phẩm du lịch y dược cổ truyền.
Tuy nhiên, dù du lịch chăm sóc sức khỏe đang ngày càng phát triển trên thế giới thì tại Việt Nam, sản phẩm này còn ít, chưa đa dạng, ít cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe đạt quy mô, chất lượng để đón khách có khả năng chi trả cao. Số cơ sở được công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch và được cấp biển hiệu còn hạn chế. Phần lớn cơ sở có quy mô nhỏ, nhân lực còn hạn chế và cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ chỉ đáp ứng nhu cầu cơ bản của khách du lịch.
Kết quả khảo sát của Tổ chức Du lịch Sức khỏe Thế giới (Wellness Tourism Association) cũng cho thấy, có đến 76% người được hỏi cho biết sẵn sàng chi nhiều hơn cho các chuyến du lịch cải thiện sức khỏe và 55% số người sẽ trả thêm tiền cho các dịch vụ hoặc hoạt động trị liệu về tâm lý. Điều này khẳng định phát triển du lịch sức khỏe là thị trường rất tiềm năng. Tại Việt Nam, Bộ y tế đã phê duyệt đề án phát triển các loại hình sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch đến năm 2030 nhằm phát huy giá trị của y học cổ truyền trong việc cung ứng các loại hình dịch vụ phục vụ du khách quốc tế và nội địa./.
Thực hiện: Tiến Dũng – Trọng Khánh