Để hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân liên quan đến đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, Cục Đăng kiểm VN đang khẩn trương bổ sung đăng kiểm viên đường thuỷ nội địa để đáp ứng nhu cầu kiểm định tàu thuyền của người dân, doanh nghiệp.
Đặc thù của đăng kiểm phương tiện thủy rất phức tạp so với các loại hình khác, mất nhiều thời gian bởi kích thước, trọng tải phương tiện lớn. Mặt khác, các đơn vị cũng không thể đưa phương tiện sang tỉnh, thành khác để đăng kiểm vì liên quan đến luồng, tuyến, việc di chuyển phương tiện rất tốn kém, không như ô tô có thể di chuyển bất cứ đâu để đăng kiểm. Bên cạnh đó, nắm bắt được tình trạng nhân lực đăng kiểm đường thuỷ đang khó khăn, nhiều đơn vị đã chuẩn bị hồ sơ đăng kiểm trước 1 tháng.
Phương tiện đường thủy với đặc thù phức tạp về máy móc và cả thiết kế, nên thời gian làm việc thực tế và ghi chép, thẩm định lâu. Ngay cả những thợ sửa chữa hơn chục năm kinh nghiệm vẫn cần phải nhờ các cán bộ đăng kiểm hỗ trợ đối chiếu các thông số khi tháo máy.
Đến cuối tháng 10/2023, TP. Hồ Chí Minh đã có 743 phương tiện được đăng kiểm, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Mặc dù vậy, vẫn còn hơn 100 phương tiện đang kiểm tra chưa xong. Trong khi đó, Chi cục đăng kiểm 6 chịu trách nhiệm đăng kiểm phương tiện đường thuỷ nội địa chỉ có 14 đăng kiểm viên làm việc liên tục. Mặc dù công việc vất vả, các đăng kiểm viên phương tiện thủy vẫn nỗ lực làm việc trong thời gian chờ đào tạo, bổ sung thêm nguồn nhân lực.
Cục Đăng kiểm VN đang gấp rút hoàn thiện Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 49/2015 quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ của đơn vị đăng kiểm phương tiện thủy nội địa để trình Bộ GTVT ban hành. Trước mắt, Cục Đăng kiểm VN và các chi cục đăng kiểm các địa phương đang khẩn trương đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực đăng kiểm viên đường thuỷ nội địa.
Thực hiện: Thu Hương