Video Muôn màu cuộc sống

Tranh Hàng Trống – Giá trị mới từ nét xưa cũ

Tranh dân gian Hàng Trống là một trong ba dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam, một trong những dòng tranh độc đáo, kết tinh nhiều giá trị thẩm mỹ, tinh thần và tín ngưỡng của người Kinh kỳ xưa.
16:00 - 10/06/2024

Những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, tranh Hàng Trống phát triển cực thịnh. Nét độc đáo của tranh Hàng Trống so với các dòng tranh dân gian khác ở kỹ thuật cũng như sự giao thoa tư tưởng, văn hóa, tôn giáo của vùng miền. Tranh Hàng Trống là kết quả của sự giao thoa tinh hoa giữa Phật giáo và Nho giáo, giữa loại hình tượng thờ, điêu khắc ở đình, chùa với những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa hàng ngày. Tranh dân gian Hàng Trống từng trở thành một phần không thể thiếu trong không gian ngày Tết cổ truyền của người Hà Thành. 

Bằng sức sáng tạo và nhiệt huyết của tuổi trẻ, các thành viên trong nhóm Magic Of Color đã đưa màu sắc dân tộc trong ba dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam trở nên hòa nhịp với cuộc sống hiện đại. Được sáng lập từ tháng 12/2020, bán đầu nhóm khởi tạo dự án “Màu dân tộc” gắn với 3 dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam: tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng và tranh Hàng Trống. Từ khi thành lập, nhóm đã tổ chức hàng chục các sự kiện workshops với chủ đề Tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng. Ngoài ra, với sự sáng tạo và nhanh nhạy, các bạn trẻ đã phối hợp cùng nghệ nhân làm nên các sản phẩm “độc bản” bằng cách vẽ các mẫu tranh lên gốm, đèn lồng, các mẫu tranh cải biên,... Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của du khách, các thành viên cũng tự thiết kế các mẫu để in hàng loạt lên túi tote, cốc, bình giữ nhiệt, các thiết bị học tập,... Việc kết hợp tranh dân gian lên các sản phẩm có tính ứng dụng trong đời sống là một cách để gắn kết giữa nghệ thuật và cuộc sống hằng ngày.

Trong mỗi bức tranh Hàng Trống chứa đựng nhiều đặc trưng trong văn hóa của vùng đất Hà Thành cần được lưu giữ và bảo tồn. Mỗi bức tranh có thể là cả một câu chuyện dài về điển tích ẩn chứa những ý nghĩa nhân văn mang hơi thở cuộc sống xa xưa. Dù chưa thể khẳng định những dự án “hồi sinh” văn hóa dân gian thành công đến đâu nhưng sự nỗ lực, tâm huyết của người trẻ trong bảo tồn, tiếp nối giá trị truyền thống là điều đáng ghi nhận, khuyến khích. Dựa vào tính chất trang trí, thẩm mỹ để “kéo dài” đời sống của dòng tranh vốn hưng thịnh một thời của Kinh kỳ xưa -– mang lại cho nó những diện mạo mới, cách thể hiện mới từ nét xưa cũ.

Thực hiện: Ngọc Hòa - Lê Thanh