Video Tin trong nước

Tranh hàng trống: Nghệ thuật độc đáo của đất Kinh Kỳ

Tranh dân gian Hàng Trống ra đời tại VN vào khoảng thế kỷ thứ XVI, là kết quả giao thoa tinh hoa giữa Phật giáo và Nho giáo, được các nhà nghiên cứu đánh giá không chỉ mang đậm tính thẩm mỹ, mà còn mang đậm yếu tố văn hóa, thời đại mà nó sinh ra.

15:29 - 22/03/2024

Tranh hàng trống: Nghệ thuật độc đáo của đất Kinh Kỳ

Tranh Hàng Trống là một trong những dòng tranh dân gian Việt Nam được làm chủ yếu tại phố Hàng Nón, Hàng Trống của Hà Nội xưa. Tranh Hàng Trống sử dụng kỹ thuật nửa in nửa vẽ, tranh chỉ in ván nét lấy hình, còn màu là thuốc nước, tô bằng bút lông mềm rộng bản, một nửa ngọn bút chấm màu, còn nửa ngọn bút kia chấm nước lã, tô tranh theo kỹ thuật vờn màu.

Cũng giống như các dòng tranh xưa tại đất Kinh kỳ, tranh Hàng Trống cũng có hai dòng tranh chính là tranh thờ và tranh Tết. Tranh thờ là chủ yếu và thường dùng trong sinh hoạt tín ngưỡng phục vụ đền phủ của Đạo giáo nhất là tranh thờ của Đạo Mẫu. Còn tranh ngày tết thì chủ yếu chỉ là nội dung: Chúc phúc, Tứ quý... để người dân treo và trưng bày vào các dịp Tết Nguyên đán.

Cùng với những dòng tranh dân gian khác, tranh Hàng Trống đã góp phần làm cho nghề làm tranh truyền thống Việt Nam trở nên phong phú, đặc sắc và phồn thịnh. Dù trong xã hội hiện đại, nhưng dòng tranh này vẫn mang nhiều giá trị tinh thần nghệ thuật đẹp đẽ và nhân văn.

Bằng những tác phẩm đặc sắc này, tranh dân gian Hàng Trống sẽ còn lưu lại mãi mãi trong tâm trí mỗi người Việt Nam chúng ta. Những tác phẩm của dòng tranh dân gian Hàng Trống có thể coi là những kiệt tác, toát lên cái sinh động, tinh tế, ý nhị và sâu sắc lạ thường cả về nội dung lẫn hình thức. Và trong thời đại số này, những giá trị truyền thống cũng cần được bảo tồn và phát huy để cùng phát triển cùng thời đại./.

Thực hiện: Thế Hùng - Chí Phương