Video Tin trong nước

Trao quyền kinh tế cho Phụ nữ - Con đường hướng tới bình đẳng giới

Phụ nữ dân tộc thiểu số gần như không có việc làm, không có tiếng nói trong gia đình và cộng đồng. Trong bối cảnh đó, trao quyền kinh tế cho phụ nữ là con đường trực tiếp hướng tới bình đẳng giới, giúp giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế bền bững.
20:55 - 08/03/2023

Trao quyền kinh tế cho Phụ nữ - Con đường hướng tới bình đẳng giới

+ Là một doanh nghiệp xã hội, Chie Dù Pù Dù Pà (TP. Hà Nội) từ nhiều năm nay đã triển khai các dự án, các khóa tập huấn về sản xuất và kinh doanh các mặt hàng dệt thổ cẩm trong cộng đồng phụ nữ các dân tộc thiểu số. Người sáng lập của doanh nghiệp, chị Thu Thủy từng có thời gian dài sống và làm việc ở miền núi nên rất hiểu những thiệt thòi của người phụ nữ vùng cao. Chị tin rằng chỉ có kinh tế mới “cứu” được phụ nữ, giúp phụ nữ thực sự tự chủ, tự tin trong cuộc sống.

Các sản phẩm thủ công của Chie không những giữ được nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc như H’mông, Thái, Lào, Dao tiền…, mà còn chứa đựng hơi thở của cuộc sống, có tính ứng dụng cao, thu hút khách du lịch. Nhờ đó, chị em có thêm khoản thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng. Để có được điều này, là cả một quá trình Chie sống cùng bà con, lắng nghe, tôn trọng tập quán bản địa, lối sống, cách nghĩ của người phụ nữ vùng cao.

Trong khi ở thành phố, những người như chị Thủy vẫn đang tích cực tạo sinh kế cho chị em phụ nữ miền núi thì ở ngay những vùng xa xôi, các mô hình hợp tác xã của phụ nữ vùng cao cũng đang cố gắng từng ngày. Ở hợp tác xã dệt lanh này, phụ nữ vừa bảo tồn được nghề truyền thống, vừa có thêm thu nhập lúc nông nhàn. 

Không chỉ là những người vợ, người mẹ đảm đang, phụ nữ còn là những người kiến tạo ra những giá trị, thay đổi cuộc đời của chính mình và những người xung quanh. Cùng với sự chung tay của các tổ chức hội, các cá nhân… tin rằng phụ nữ sẽ ngày càng có nhiều cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và vị thế trong xã hội./.

Thực hiện: Lê Liên – Chí Phương – Quốc Hùng