Năm 2019, VCPMC nỗ lực vượt trội trong hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm.
Tại buổi tổng kết, Ông Đinh Trung Cẩn, TGĐ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Việt Nam – VCPMC phát biểu cho biết: Trong năm 2019, VCPMC đã thực hiện 4 kỳ phân phối, chi trả đến các chủ sở hữu quyền tác giả với số tiền (đã trừ phí quản lý) là hơn 68 tỷ đồng. Mặc dù còn nhiều hạn chế, khó khăn, song tính từ ngày 01/7/2019 đến hết ngày 17/12/2019, số tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc mà VCPMC đã thu (chưa bao gồm 10% VAT) là: hơn 83tỷ đồng. Số tiền phân phối của quý IV/2019 (khoảng 30 tỷ đồng) được chi trả vào trung tuần tháng 01/2020.
Ra đời năm 2002, đến nay, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) ký hợp đồng uỷ quyền với 4.253 tác giả, trong đó: 1.465 tác giả phía Bắc, 2.788 tác giả phía Nam.
Cùng với việc hỗ trợ tác giả thành viên trong việc xác nhận, xác minh tác phẩm, rà soát phạm vi và thời hạn độc quyền mà tác giả đã ký trước đây, VCPMC phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam trong công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về quyền tác giả đến các hội viên qua các đợt tập huấn chuyên môn của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Cho đến nay, VCPMC đã ký hợp tác song phương với 77 tổ chức quản lý tập thể quyền (CMOs) và các Nhà xuất bản (Publishers), đảm bảo thực hiện theo pháp luật Việt Nam và công ước Berne, tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí của CISAC.
Thời gian qua, VCPMC luôn nỗ lực trong việc hỗ trợ các tác giả thành viên rà soát, phát hiện các trường hợp quyền tác giả bị xâm phạm, phổ biến ở môi trường kỹ thuật số Internet (MV/Video, Audio). Trung tâm đã nỗ lực trong việc đàm phán với các đơn vị sử dụng âm nhạc, nhằm duy trì ổn định nguồn thu nhuận bút, thù lao sử dụng tác phẩm của các tác giả, nhạc sỹ.
Mời quý vị xem các Bản tin Văn hóa - Du lịch đã phát sóng của Vietnam Journey tại đây./.