Kể từ mùa thu lịch sử năm ấy, 75 năm qua, Tiếng nói Việt Nam tự hào đồng hành cùng đất nước, góp phần xứng đáng làm nên những trang sử vẻ vang của dân tộc.
Ngay sau khi giành được độc lập, Nhà nước Việt Nam non trẻ phải đứng lên chống thực dân Pháp đã bội ước quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Tháng 12/1946, Đài Tiếng nói Việt Nam phải rời Thủ đô Hà Nội cùng cả nước phải bước vào cuộc kháng chiến trường kì.
Đêm 19/12/1946, từ hang chùa Trầm, Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dù trải qua 14 lần phải chuyển địa điểm từ Thủ đô Hà Nội, đến Hà Tây, Vĩnh Phúc, lên chiến khu Việt Bắc, 3 lần bị địch bắn phá, Tiếng nói Việt Nam vẫn vang kiêu hãnh, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho quân và dân ta kháng chiến chống Pháp.
Tháng 12/1972, Mỹ ném bom B52 hòng hủy diệt Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và các mục tiêu khác ở miền Bắc hòng "đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá."
Rạng sáng ngày 19/12/1972, Đài Phát sóng Mễ Trì bị bom phá sập, Tiếng nói Việt Nam tạm dừng mấy phút làm cả nước hồi hộp, lo âu.
Chỉ sau 9 phút ngưng sóng, Tiếng nói Việt Nam lại dõng dạc cất lên. Tiếng nói Việt Nam lại cùng quân và dân ta chiến đấu oanh liệt, làm nên trận "Điện Biên Phủ trên không", buộc Mĩ phải ngồi vào bàn đàm phán ở Pari và chấp nhận chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam.
Theo những bước chân thần tốc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đài Tiếng nói Việt Nam cũng thực hiện một chiến dịch mang tên Bác trên làn sóng phát thanh. Các phóng viên của Đài luôn bám sát các đoàn quân ra trận để kịp thời đưa tin chiến thắng, Đại thắng Mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội.
Dưới ánh sáng Đổi mới, Đài Tiếng nói Việt Nam mạnh dạn đổi mới tư duy báo chí, chuyển từ cách tuyên truyền chủ yếu là một chiều, sang thông tin đa chiều, biểu dương cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, đấu tranh chống tiêu cực, đẩy lùi lạc hậu. Nhờ cách chuyển đổi đó, công chúng đồng tình, nghe đài nhiều hơn.
Phát huy truyền thống vẻ vang 75 năm qua, tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên, nghệ sĩ, nhân viên của Đài Tiếng nói Việt Nam đang nỗ lực, năng động, sáng tạo, đổi mới, xây dựng Đài thực sự là cơ quan truyền thông đa loại hình, đa phương tiện hiện đại, vững mạnh toàn diện. Nâng cao hơn nữa tính cách mạng, tính định hướng, tính chiến đấu, tính văn hóa, tính hiện đại; nâng cao hơn nữa khả năng lan tỏa và chi phối thông tin, cả trong và ngoài nước, giữ vững vị thế là cơ quan báo chí chủ lực, quan trọng hàng đầu của Đảng, Nhà nước, là nhịp cầu, là diễn đàn tin yêu của nhân dân, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tất cả vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
Mời quý vị xem các Chương trình đặc biệt đã phát sóng tại đây./.