Tự hào võ cổ truyền quê hương
Từ khoảng năm 1471 khi vua Lê Thánh Tông cho lập phủ Hoài Nhơn gồm 3 huyện Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn, người Việt bắt đầu tiến vào sinh sống ở vùng đất Bình Định ngày nay. Vua cử các võ tướng, võ quan tài giỏi về võ nghệ của triều đình vào trấn giữ, họ truyền lại võ nghệ cho con cháu, cho dân làng, từ đó xuất hiện võ Bình Định và có nhiều người tinh thông võ thuật trên mảnh đất này.
Về với nơi được mệnh danh là “đất võ trời văn”, tại không gian Bảo tàng vua Quang Trung, một bức tượng đài toát lên vẻ oai phong, lẫm liệt, toát lên hào khí anh hùng của người đứng đầu nghĩa quân Tây Sơn năm xưa. Nếu trước đây, võ cổ truyền Bình Định còn ở dạng sơ khai, hình thành chủ yếu dựa trên các thao tác lao động và sử dụng công cụ lao động hàng ngày để tự vệ thì đến thời Tây Sơn (thế kỷ XVIII), võ cổ truyền Bình Định chuyển sang một giai đoạn mới nhằm đáp ứng nhu cầu chiến đấu của cuộc khởi nghĩa. Đây chính là môi trường, là điều kiện thúc đẩy và hình thành diện mạo mới cho Võ cổ truyền Bình Định. Xuất phát từ lòng yêu nước, ý chí quyết tâm đánh thắng giặc, Tây Sơn tam kiệt – 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ theo học các võ sư, trong đó có võ sư giỏi cả văn và võ là Trương Văn Hiến. Lúc bấy giờ, người người nhà nhà tập võ, luyện võ, trở thành phong trào rộng khắp cả vùng. Võ cổ truyền Bình Định thời Tây Sơn được sử sách ghi nhận là thời kỳ hưng thịnh và phát triển rực rỡ nhất, được xây dựng thành hệ thống võ học, được đưa vào hệ thống thi cử, đào tạo tướng sĩ, được nghiên cứu và áp dụng triệt để, sáng tạo trong quân sự, trong chiến đấu, phục vụ chiến trường và khuyến khích mở trường dạy võ khắp nơi. Võ cổ truyền Bình Định thời Tây Sơn là sự kết tinh và hòa quyện cao độ giữa các dòng võ, môn võ, phái võ khác nhau và quy tụ nhiều anh hùng hào kiệt, nhiều võ quan, võ sư nổi tiếng, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đã hun đúc nên dòng võ đậm nét, phát triển mạnh mẽ, trở thành tinh hoa của dân tộc.
Với nhiều người dân nơi đây thì võ cổ truyền quê hương đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với họ. Không kể già trẻ, gái trai, hàng ngày họ đều tham gia các lớp học để được gặp gỡ, giao lưu, cùng nhau luyện võ. Võ cổ truyền Bình Định ra đời, tồn tại và phát triển song hành cùng lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc. Trải qua nhiều thế hệ lưu giữ, bồi đắp, nâng tầm, võ cổ truyền Bình Định phát triển, lan tỏa rộng khắp, là kết tinh các giá trị tinh hoa dân tộc và là nét văn hóa đặc trưng của vùng đất này.… để con cháu Bình Định hôm nay cùng tinh thần thượng võ ngấm sâu trong máu thịt, sẽ ngày càng xây dựng quê hương thêm đẹp giàu./.
Xem lại: Na Chi Lăng - Vị ngọt của núi