Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên
Liên quan phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, theo pháp luật quốc tế, khái niệm về tư pháp chưa thành niên để chỉ hệ thống các quy định pháp luật và việc áp dụng các quy định này đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật, người chưa thành niên là nạn nhân, nhân chứng bao gồm các nội dung về phòng ngừa, giáo dục, xử lý vi phạm và tái hòa nhập cộng đồng cho các em đối với các mục tiêu tư pháp phục hồi. Trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay, để xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật, bên cạnh chế tài hình sự thì có chế tài hành chính được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Cơ bản nhất trí với mục đích, yêu cầu về xử lý chuyển hướng trong dự thảo Luật tư pháp người chưa thành niên, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng đề nghị đánh giá việc xử lý chuyển hướng bằng việc thực hiện giáo dục tại Trường giáo dưỡng.
Liên quan đến đến vai trò, nhiệm vụ của nhân viên công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị cần có quy định cụ thể đối với nhân viên xã hội để đảm bảo tính khả thi.
Cơ bản tán thành việc bổ sung mới biện pháp ngăn chặn: giám sát điện tử và giám sát tại nhà góp phần tăng cường trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục, giám sát người chưa thành niên, song, các đại biểu đề nghị cần đánh giá kỹ lưỡng hơn về nguồn lực bảo đảm đối với việc bổ sung biện pháp giám sát điện tử./.
Thực hiện: Huy Vinh - Quốc Hùng