Vai trò của kiểm toán tối cao trong phòng, chống tham nhũng
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định: Kiểm toán Nhà nước Việt Nam được hiến định trong Hiến pháp 2013 “là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”, phù hợp với Tuyên bố Lima và Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp quốc về vai trò, vị thế của các cơ quan kiểm toán tối cao. Năm 2024 đánh dấu 30 năm trưởng thành và phát triển của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam. Trong đó, hội nhập và hợp tác quốc tế sâu rộng là yêu cầu tất yếu giúp Kiểm toán Nhà nước Việt Nam nhanh chóng tiếp cận, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm tiên tiến và thông lệ tốt về lĩnh vực kiểm toán công, những lĩnh vực kiểm toán mới của thế giới để nâng cao năng lực hoạt động chuyên môn. Cùng với các hoạt động kỷ niệm 30 năm thành lập Kiểm toán Nhà nước, Hội thảo quốc tế này sẽ cung cấp thêm kiến thức, kinh nghiệm quý báu về vai trò, vị trí và kinh nghiệm thực tiễn của các cơ quan kiểm toán tối cao trong phòng, chống tham nhũng làm cơ sở định hướng cho hoạt động Kiểm toán Nhà nước trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, làm rõ về: Chức năng, nhiệm vụ của SAI trong chống tham nhũng; vị trí, sự phối hợp của SAI với các cơ quan khác trong chống tham nhũng; Những điều kiện, cơ sở pháp lý, nhân lực và phương tiện, kỹ thuật cần thiết để SAI thực hiện nhiệm vụ chống tham nhũng. Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm của SAI trong việc phát hiện gian lận và tham nhũng; chuyển thông tin, hồ sơ vụ việc tham nhũng cho các cơ quan chức năng điều tra, xử lý và đề xuất các phương pháp, kỹ thuật kiểm toán điều tra nhằm phát hiện gian lận và tham nhũng. Qua đó, các SAI cùng nâng cao kiến thức, kinh nghiệm triển khai nhiệm vụ nhằm góp phần phòng, chống tham nhũng, cũng như định hướng hoạt động của SAI trong thời gian tới./.
Thực hiện: Tiến Dũng