Vùng đất xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang ngày nay đã có nhiều đổi thay cùng công cuộc đổi mới của đất nước. Nhưng trong mỗi tấc đất, trong mỗi người con Tân Trào vẫn lưu dấu những chứng tích lịch sử của cách mạng Việt Nam, vẫn còn đó những kí ức thân thương về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Ngược dòng lịch sử về thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, những thế hệ người dân Việt Nam hôm nay lại được sống trong những ngày tháng cách mạng sục sôi thuở trước, để thêm tự hào về những người con cách mạng đã làm nên những trang sử vẻ vang cho dân tộc.
Vùng đất Tân Trào năm xưa hội tụ đủ các điều kiện là địa điểm “có dân tốt, địa hình tốt, làm trung tâm liên lạc giữa miền xuôi, miền ngược” nên đã được Bác Hồ chọn làm nơi ở và làm việc để cùng Trung ương Đảng chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Một căn lán nhỏ đơn sơ giản dị giữa núi rừng Nà Nưa giờ đây là một di tích lịch sử mà mỗi du khách tới thăm không khỏi xúc động, bồi hồi. Nằm trong Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, căn lán Nà Nưa chính là nơi Bác Hồ đã ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến tháng 8 năm 1945. Ẩn mình giữa khu rừng rậm rạp thuộc dãy núi Hồng, căn lán Nà Nưa đáp ứng được các yêu cầu của Bác là “gần nước, gần dân, xa quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái”.
Được dựng theo kiểu nhà sàn của người miền núi, lán Nà Nưa có 6 cột gỗ chôn xuống đất, không có vì kèo, mái lợp lá cọ, lán dài 4,2m, rộng 2,7m, chia làm 2 gian nhỏ. Gian ngoài là nơi Bác Hồ làm việc và tiếp khách; gian phía trong là nơi Bác nghỉ ngơi. Xung quanh lán được thưng bằng vách nứa đan nong mốt, nửa phía trên vách đan để chừa những ô thoáng nhỏ để lấy ánh sáng. Phía dưới, đầu sàn của lán là phiến đá rộng và phẳng, nơi Bác thường ngồi làm việc, đánh máy chữ.
Mời quý vị xem các chương trình Muôn màu cuộc sống đã phát sóng tại đây./.