Video Muôn màu cuộc sống

Về thăm thắng tích Hàn Sơn

Nằm soi bóng bên bờ sông Lèn – nơi núi sông giao hòa, trời in bóng nước, cụm danh thắng Hàn Sơn được ví như một bức tranh thủy mặc nhuốm màu hư ảo. Nơi đây, tín ngưỡng thờ Mẫu dân gian của người Việt được gìn giữ.
17:12 - 08/08/2023

Về thăm thắng tích Hàn Sơn

Cụm danh thắng Hàn Sơn là một hệ thống đền, chùa nằm dọc bờ sông Lèn, trải dài trên hai xã là Hà Ngọc và Hà Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, trong đó nổi tiếng nhất là cụm di tích 3 đền gồm đền Cây Thị, đền Hàn Sơn, đền Cô Bơ nối với nhau tạo nên một chuyến hành trình men dọc triền núi lên cao dần, một chuyến hành trình về với miền tâm linh mang đậm dấu ấn của tín ngưỡng thờ Mẫu trong văn hóa dân gian người Việt. Trong đó đền Cây Thị thờ Chầu Bà Đệ Tứ Khâm Sai, đền Hàn Sơn thờ Mẫu Thoải (hay còn gọi là Mẫu Đệ Tam), và đền Cô Bơ thờ Cô Bơ Thoải Phủ - một trong 12 vị thánh cô của tín ngưỡng thờ Mẫu.

Điều đáng nói ở đây là tất cả các ngôi đền đều có lịch sử rõ ràng – một lịch sử đã trài dài qua hàng trăm năm được những người con đất Việt xứ Thanh gìn giữ.

Chuyến hành trình thăm thắng tích Hàn Sơn được bắt đầu từ đền Cây Thị, hay đền thờ Chầu Bà Đệ Tứ Khâm Sai. Theo một số tài liệu viết về đạo Mẫu ghi chép lại: Chầu Đệ tứ là một vị thánh trong đạo Mẫu tứ phủ Việt Nam. Chầu Đệ tứ - người đứng thứ tư trong hàng tứ phủ Chầu Bà, danh hiệu là Chiêu Dung công chúa. Chầu Đệ tứ được coi là người hầu cận bên thánh Mẫu. 

Tương truyền, Chầu Bà vốn là Bồng Lai Tiên Nữ, cũng có tài liệu ghi rằng bà là Mai Hoa Công Chúa trên thiên Cung, giáng sinh vào nhà họ Lý, với tên là Lý Thị Ngọc Ba. Quê hương của bà ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Với tính cách thông minh, chính trực, Chầu Đệ tứ lập nhiều công trạng phò vua, giúp nước và được giao trấn giữ vùng sông nước Hà Trung – cũng chính là nơi ngôi đền đang ngự ngày hôm nay.

So với 2 ngồi đền còn lại của thắng tích Hàn Sơn thì đền Cây Thị nằm ở vị trí thấp nhất, cũng là ngôi đền được du khách ghé đến đầu tiên để làm lễ trình thế nên cũng có người gọi là đền trình. Sở dĩ đền còn có tên gọi Cây Thị là bởi trong sân đền có cây thị to gắn với câu chuyện về một người phụ nữ chờ chồng đi đánh giặc rồi hóa thành cây thị để tình yêu luôn vĩnh cửu không bị giới hạn bởi một kiếp cuộc đời.

Đền Cây Thị đã được dựng nên từ những huyền tích như thế, từ tình yêu nước, từ sự thủy chung để linh thiêng vang vọng.

Từ đền Cây Thị men theo bờ sông Lèn đi lên cao dần, hết địa phận xã hà Ngọc, tới địa phận xã Hà Sơn, ta sẽ lần lượt đến được đền Hàn Sơn và đền Cô Bơ -  hai ngôi đền chính của cụm danh thắng tâm linh nổi tiếng này.

Cắt nghĩa về hai chữ Hàn Sơn, nguời dân khu vực này giải thích: “Hàn” có nghĩa là vực, thác ngầm, “Sơn” là núi và giải thích rằng, khi sông Mã tách dòng chảy qua hệ thống đá ngầm nơi chân núi, dòng sông trở nên hung dữ và xoáy xiết, tạo nên cảnh sắc hùng vĩ. Xưa kia, nơi đây thường xảy ra xói lở, ảnh hưởng đến thuyền bè qua lại. Vì thế, vừa là chốn dừng chân chiêm ngắm cảnh đẹp núi sông, song cụm thắng tích Hàn Sơn cũng là nơi người dân, du khách gửi gắm ước vọng, cầu mong thần linh phù trợ, che chở để cuộc sống được bình an.

Hà Sơn là một vùng đất địa linh nhân kiệt, sơn thủy hữu tình, có núi non tầng tầng lớp lớp, có mây trời lãng đãng tựa non tiên, du khách xưa nay tìm đến trầm tư mặc tưởng và đắm mình vào lễ hội. Tương truyền vào năm Canh Dần Hồng Đức 1470, Vua Lê Thánh Tông sai Thái úy Lê Thọ Vực chấn ải ngã ba sông Mã, nơi “rừng thiêng nước độc”. Trong lúc tình thế nguy cấp bỗng có người phụ nữ xiêm áo trắng từ trên mây bước xuống bên võng mà rằng: “Hãy về nơi Nhị sơn hạ thủy vây hãm, cầu Mẫu thoải (mẹ nước) tất ứng linh”. Y lời, mạc Tướng về nơi Chí Thủy (Đền Hàn Sơn bây giờ), bố trí binh trận, giành được chiến công oanh liệt, giết được vô số giặc. Người con ái ngồi trên kiệu võng về báo mộng cho tướng quân Lê Thọ Vực đêm hôm ấy là con gái Ngọc Hòang thượng đế (Công chúa Mai Hoa), nay gọi là Cô Ba hoặc Cô Bơ thoải phủ đền Ba Bông. Còn người báo mộng hiến kế để tướng quân phá giặc là “Đệ Tam Thủy Tiên Thánh Mẫu Bạch Ngọc Hồ Trung Xích Thủy Tân Xích Lân Long Nữ” hay còn gọi là Mẫu Đệ Tam, Mẫu Thoải, Mẫu Hàn Sơn đều là một. Để đáp lại ân đức của các thánh thần, tướng Lê Thọ Vực tâu lên vua, vua Lê cho lập đền thờ Cô Ba ở bãi bồi ven ngã Ba Bông nên đền còn được gọi là đền Ba Bông, đền thờ thánh Mẫu đệ tam ở non cao Thạch Bàn thác Hàn Chí Thủy về sau mới di chuyển xuống ven sông để nhân dân thuận lợi thăm viếng, chính là vị trí đền Hàn Sơn hiện nay.

Cảnh sắc Hàn Sơn vẫn nước non hùng vĩ mà trữ tình. Hai ngôi đền cũng được tu bổ khang trang và bề thế, đặt chân tới đây, ta sẽ cảm nhận được ngay nét tín ngưỡng dân gian thuần túy không lai tạp toát lên từ kiến trúc của hai ngôi đền đến hệ thông phối thờ trong đền và cách bố trí các ban thờ luôn trang nghiêm nhuốm màu hư ảo.

Trong chuyến hành trình về với thắng tích Hàn Sơn, bên cạnh những câu chuyện tâm linh về tín ngưỡng dân gian linh thiêng, dưới những mái đền uy nghi, ta sẽ thấy mình được đắm mình trong những làn điệu hát văn, thắng tích Hàn Sơn trở thành một không gian thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, gieo vào lòng những người con của mảnh đất này tình yêu với một di sản đã được công nhận.

Về với đền Ba Bông (hay đền Cô Bơ), du khách sẽ được lắng nghe giọng ca và tiếng đàn của nghệ nhân ưu tú, thanh đồng cung văn Nguyễn Văn Chung. Sinh ra và lớn lên ngay cạnh đền Cô Bơ, ngay từ nhỏ nghệ nhân Nguyễn Văn Chung đã được đắm mình trong một không gian sinh hoạt thực hành tín ngưỡng Tứ Phủ sôi nổi. Để rồi từng làn điệu, từng giá hầu đã dần ngấm vào tâm hồn, trở thành tình yêu mà nghệ nhân Nguyễn Văn Chung, dù đi đến đâu vẫn luôn theo đuổi.

Cho đến hôm nay, khi tuổi đã cứng, cái sôi nổi muốn được đi muôn nơi của tuổi trẻ dần phai nhạt, nghệ nhân Nguyễn Văn Chung chọn quay lại quê hương theo lời mời của địa phương để vừa làm thủ nhang đền Hàn Sơn và đền cô Bơ Bông, vừa tiếp tục giữ gìn nghệ thuật hát chầu văn tại vùng thắng tích nổi tiếng linh thiêng này.

Lễ hội Hàn Sơn diễn ra trong cả tháng 6 âm lịch, trong đó khai hội vào mồng 1 âm và chính hội là từ ngày 9 đến ngày 12 tháng 6. Tuy nhiên chẳng cần phải đợi đến chính hội, khu thắng tích này đã tấp nập người đi trảy hội trong suốt cả tháng 6. 

Nằm trong vùng ngã ba sông “hội sơn tụ thủy”, thấm đẫm giá trị lịch sử - văn hóa - tín ngưỡng, du khách thập phương tìm về với cụm di tích danh thắng Hàn Sơn để được du ngoạn cảnh sắc tươi đẹp của một chốn non nước hữu tình, và để được dâng nén nhang thơm, thành tâm cúi lạy trước những đấng linh thiêng tự ngàn đời của người Việt. 

Cũng chính bởi những điều ấy mà dù cho du lịch của mảnh đất Hà Trung chưa phát triển, tour du lịch tâm linh duy nhất đang được khai thác ở khu vực Hàn Sơn cũng không phải của địa phương Hà Trung, thế nhưng hằng năm vẫn có một lượng lớn du khách đổ về đây để chiêm bái và du ngoạn. Đây chính là tiền đề để Hà Trung phát triển du lịch nói chung, đặc biệt là du lịch tâm linh trên mảnh đất vốn còn rất nhiều những chứng tích của lịch sử, của thời gian này.

Linh thiêng

Huyền ảo

Thắng tích Hàn Sơn bên bờ sông Lèn vẫn soi bóng.

Nếu có dịp ghé lại mảnh đất Hà Trung, đừng quên về với Hàn Sơn, với những ngôi đền gắn mình cùng huyền tích, để thấy mình được thoát tục, được bay bổng cùng làn điệu chầu văn trong không gian tín ngưỡng dân gian của người Việt suốt bao đời.

Thực hiện: Nguyên Hạnh - Trọng Đại