Nguyên nhân không chỉ do những yếu tố khách quan như dịch bệnh mà còn đến từ những nguyên nhân nội tại.
Theo thống kê mới nhất của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), sau 2 năm gia nhập thị trường CPTPP, tỷ lệ doanh nghiệp tận dụng được ưu đãi thuế quan CPTPP đối với hàng hoá xuất khẩu vẫn rất thấp, ở mức dưới 2% vào năm 2019 và tăng lên gấp đôi, tức chỉ 4% vào năm 2020.
Bên cạnh yếu tố khách quan như đại dịch Covid-19, nguyên nhân khiến doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chưa tận dụng được ưu đãi thuế quan chủ yếu do không đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ (40%), gặp vướng mắc về thủ tục hay để lỡ hạn xin cấp chứng nhận xuất xứ (20%), thiếu các giấy tờ vận chuyển cần thiết (15%)... Đáng chú ý, lý do lớn nhất mà cũng gây tiếc nuối nhiều nhất, là việc doanh nghiệp không biết về ưu đãi thuế CPTPP cho lô hàng của mình.
Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh kém, mô hình quản trị chưa linh hoạt, nhạy bén, trình độ công nghệ chưa cao cũng là những rào cản khiến doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vẫn chưa thích ứng thực sự với sân chơi CPTPP.
2 năm chưa phải là quãng thời gian quá dài nhưng cũng đủ để doanh nghiệp Việt Nam nhìn thẳng vào vị thế của mình sau khi hội nhập thị trường CPTPP và kịp thời thay đổi để đón nhận nhưng lợi thế của Hiệp định, đặc biệt là tận dụng được những ưu đãi thuế quan. Để làm được điều đó, bản thân doanh nghiệp cần chuẩn chỉ và tuân theo các quy định chung, quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, chủ động tìm hiểu các thông tin về thị trường và các quy định về nguồn gốc xuất xứ, nâng cao năng lực cạnh tranh để không bị thua cuộc trên sân chơi tiềm năng này.
Thực hiện: Anh Vũ – Quốc Hùng
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.