Video Tin trong nước

Xây dựng ngành công nghiệp văn hóa nhìn từ góc độ điện ảnh

Với việc Đảng ta xác định văn hóa là động lực để phát triển đất nước, trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, điện ảnh được xem là một thành tố quan trọng không thể tách rời.
21:25 - 24/11/2021

Việc cần làm là cần tạo cơ chế thúc đẩy, vận hành điện ảnh như một ngành kinh tế, tuân theo các quy luật thị trường, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước

Công nghiệp điện ảnh Việt Nam những năm gần đây ghi nhận những thành tựu đáng kể. Mặt bằng chất lượng phim được nâng cao dần. Một số bộ phim Việt Nam do các hãng phim tư nhân sản xuất hút khách hơn cả phim Hollywood chiếu cùng thời điểm: “Em chưa 18”, “Hai Phượng”, “Mắt biếc”, “Gái già lắm chiêu”, “Tiệc trăng máu”... Đặc biệt phim “Bố già” đã trở thành hiện tượng, phá kỷ lục phòng vé ngoạn mục chưa từng thấy khi mang về gần 150 tỷ đồng chỉ sau một tuần công chiếu. 

Một vài phim của các nhà làm phim độc lập như: “Bi đừng sợ”, “Đập cánh giữa không trung”, “Cha và con và”... được lựa chọn và trao một số giải tại các LHP quốc tế lớn. Những bộ phim điện ảnh là phương tiện quan trọng để quảng bá, lan tỏa văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, điện ảnh Việt Nam vẫn tồn tại nhiều bất cập: Luật Điện ảnh đã lạc hậu, cơ chế chính sách chưa rõ ràng và chưa đủ sức khích lệ hoạt động điện ảnh; thị trường phát hành phim chưa lành mạnh với sự thống lĩnh của các công ty nước ngoài, cơ chế kiểm duyệt còn gây nhiều rào cản đối với nhà làm phim...

Công nghiệp điện ảnh là xu thế phát triển ở tất cả các quốc gia, không ai có thể đi ngược lại quy luật, cũng như không thể trở lại thời “bao cấp”. Muốn phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam, phải đổi mới quan niệm, từ nhà quản lý đến người làm phim. Trước hết, phải nghiên cứu, sửa đổi Dự thảo Luật Điện ảnh để thực sự mở đường và thúc đẩy điện ảnh phát triển, đóng góp tương xứng vào ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam.

Rõ ràng, nếu được định hướng và đầu tư tương xứng, điện ảnh sẽ là một thành tố then chốt trong việc xây dựng ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam, đúng với mục tiêu “Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam” mà Nghị quyết số 33 của BCH Trung ương Đảng đề ra.

Anh Vũ – Chí Phương

Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.