Nếu hỏi lớp trẻ người Dao Tiền ở xóm Sưng, điều gì của dân tộc mình là khó học nhất, có lẽ câu trả lời sẽ là chữ viết.
Người Dao có hệ thống tiếng nói và chữ viết riêng. Chữ Dao hay còn được gọi là chữ Nôm Dao là một hệ thống ký tự chữ Hán được phiên âm ra tiếng Dao. Phiên âm này được đọc theo một cách hoàn toàn khác tiếng Dao sử dụng trong cuộc sống thường ngày thế nên nó còn được gọi chữ Dao văn chương.
Trong đời sống tâm linh của người Dao Tiền, tất cả các lễ cúng quan trọng đều phải sử dụng tiếng Dao văn chương để khấn. Tuy nhiên chữ Dao văn chương lại rất khó. Thế nên ở xóm Sưng nói riêng và trong cộng đồng người Dao Tiền nói chung, ngày càng có ít người sử dụng thành thạo thứ ngôn ngữ cổ xưa này.
Một lớp học nằm giữa đỉnh đồi nắng chói nên thơ. Đây là lớp học chữ Nôm Dao của những người đàn ông Dao Tiền ở xóm Sưng.
Vượt qua một quãng đường treo leo, gập ghềnh, những người đàn ông Dao Tiền sẽ có mặt ở lớp học đơn sơ này vào những ngày rằm và mồng 1 âm lịch để cùng nhau học về chữ viết của dân tộc mình. Giảng viên là những người già trong bản.
Lớp học có lúc đông lúc vắng. Vào mùa vụ hay ngày trong tuần lũ trẻ bận đến trường học chính khóa, lớp học chữ Nôm có khi chỉ còn lại một học sinh. Thế nhưng chưa bao giờ lớp học ấy đóng cửa, cũng như tình yêu, niềm tự hào mà người Dao Tiền dành cho ngôn ngữ của dân tộc mình chưa bao giờ lụi tàn.
Trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Dao Tiền nói riêng, người Dao nói chung, tranh thờ cũng là một phần không thể thiếu. Nếu như chữ Nôm Dao đại diện cho phần văn, thì tranh thờ chính là phần hình, là đại diện cho sự hiện diện của thần thánh – những vị thần được người dao tôn thờ, trong các lễ cúng.
Tranh thể hiện quan niệm của con người thuở sơ khai về vũ trụ, lịch sử cội nguồn, cũng như các mối quan hệ giữa con người với vũ trụ, thần linh và những ước vọng trong cuộc sống. Người Dao không treo tranh hàng ngày trong nhà, chỉ khi tiến hành nghi lễ, họ mới treo tranh thờ lên, thực hiện lễ xong lại cuộn tranh cất đi. Bộ tranh này dòng họ người Dao nào cũng phải có để tiến hành các nghi lễ cúng tổ tiên.
Khi thế hệ những người già ở xóm Sưng ít dần đi thì những người trẻ lại tiếp tục cầm cọ, pha màu, học vẽ lại bộ tranh thờ của cha ông. Đó là sở thích cá nhân, nhưng cũng là trách nhiệm gìn giữ lại tập tục của người Dao mình.
Bởi người Dao mình ở đâu, đời nào mà chẳng phải làm lễ lập tính, lễ cấp sắc, mà những lễ lạt ấy làm sao thiếu được bộ tranh thờ. Đó là niềm tin tín ngưỡng, là cội nguôn văn hóa, và là cầu nối của con cháu với tổ tiên, thế nên nhất định phải yêu, phải học để giữ.
Nguyên Hạnh
Mời quý vị xem các chương trình Muôn màu cuộc sống đã phát sóng tại đây./.