CHUYỂN ĐỔI XANH ĐỂ HỘI NHẬP TOÀN CẦU, PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Chuyển đổi xanh là đòi hỏi và xu hướng thời đại, mang tầm vóc toàn cầu, đang và ngày càng trở thành ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trên hành trình hướng tới hội nhập, phát triển bền vững và bao trùm. Những chủ trương, nhiệm vụ và mục tiêu, giải pháp của chuyển đổi xanh được ghi nhận lần đầu tiên trong Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, cũng như được khởi động chính thức trong Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020; đồng thời, được cập nhật và bổ sung đậm nét hơn được trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh 2021-2030.
Chiến lược về tăng trưởng xanh thể hiện quyết tâm và khát vọng phát triển đất nước hùng cường thịnh vượng và bền vững. Một trong những thách thức rất lớn của chuyển đổi xanh hiện nay là vấn đề thiếu điện, trong đó chú trọng phát triển điện sạch, phấn đấu đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như chúng ta đã cam kết với quốc tế.
Chuyển đổi xanh trong hoạt động sản xuất là một mắt xích quan trọng giúp Việt Nam hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững. Không chỉ tạo lợi thế ở thị trường trong nước, trong thời gian tới, xanh hóa sản xuất còn là tấm vé thông hành là các chứng chỉ xanh để Việt Nam hội nhập toàn cầu, hàng hóa Việt Nam có thể thâm nhập sâu hơn vào các thị trường khó tính.
Từ một nền kinh tế lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên Top 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới, Top 20 nền kinh tế có kim ngạch thương mại lớn nhất thế giới, một mắt xích quan trọng trong 16 hiệp định thương mại tự do. Khoa học, công nghệ cùng đổi mới, sáng tạo sẽ là sự lựa chọn tất yếu trong hành trình tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của đất nước.
Trong xu hướng thương mại xanh toàn cầu, doanh nghiệp nào chủ động triển khai chuyển đổi xanh sẽ tiết giảm được nhiều chi phí, tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị phần.
Chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn là hướng đi bắt buộc và sống còn cho nền kinh tế quốc gia trong bối cảnh thế giới đang định hình “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư; tạo sức ép và cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050. Để thành công, Việt Nam đã, đang và sẽ cần tiếp tục chủ động nhận diện sâu sắc, thống nhất nhận thức và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Tích hợp và phát huy sức mạnh cộng hưởng, lợi ích lan toả của chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn cũng chính là sự kết hợp hài hoà, hiện thực hoá và cụ thể hoá quá trình triển khai hiệu quả hơn công cuộc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN trên hành trình đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn của Việt Nam./.
Thực hiện: Vân Anh - Quốc Hùng - Ngọc Toàn
Xem lại: Sức mạnh đại đoàn kết trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc