Video Việt Nam - Kỷ nguyên vươn mình

Đẩy mạnh xây dựng các dự án, công trình trọng điểm, đánh dấu sự vươn mình của đất nước

NQ Đại hội XIII của Đảng xác định đột phá đầu tư XD hạ tầng là 1 trong 3 đột phá chiến lược phát triển KT. Hàng loạt các dự án lớn được phê duyệt, triển khai và năm 2024 được xác định là năm tăng tốc khởi công các dự án lớn, công trình trọng điểm.
10:24 - 11/11/2024

Đẩy mạnh xây dựng các dự án, công trình trọng điểm, đánh dấu sự vươn mình của đất nước

Tháng 01/1992, công trình Đường dây 500kV Bắc - Nam (mạch 1) được Bộ Chính trị thông qua và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ra Quyết định. Ngày 27/5/1994, tại trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra lệnh đóng điện đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1. Sau hơn 10 năm vận hành đường dây, ngày 23/9/2005, ngành Điện Việt Nam lại đánh dấu một kỳ tích mới: Hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 2. Và ngày 29/8/2024, chỉ sau hơn 6 tháng thi công thần tốc, xứng đáng là một kỳ tích, công trình đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) đã được khánh thành. Công trình được đưa vào vận hành có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên nhiều khía cạnh về cả kinh tế, chính trị, xã hội, mang ý nghĩa chiến lược góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần khắc phục tình trạng thiếu điện cục bộ tại miền Bắc, bổ sung khoảng 30 tỷ KWh điện mỗi năm; Từ đây, hệ thống truyền tải điện Việt Nam từng bước hiện đại hóa, mở rộng số lượng và tăng công suất truyền tải khẳng định vai trò “xương sống” của hệ thống điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia ngày 03/10 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Hiện cả nước đang nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội XIII, trong đó có chỉ tiêu về hạ tầng chiến lược như xây dựng 3.000km cao tốc tới năm 2025, các sân bay, bến cảng, hạ tầng điện, viễn thông…

Theo Thủ tướng, thời gian tới công việc nhiều, thời gian ngắn, yêu cầu cao, mong đợi của nhân dân lớn, do đó cần tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển hạ tầng chiến lược, trong đó nêu rõ: Về nhận thức, phải xác định rõ đột phá về hạ tầng chiến lược rất quan trọng, giúp góp phần công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, mở rộng ra không gian phát triển mới, tăng giá trị của đất, thuận lợi trong giao thông, giảm chi phí logictic, tăng giá trị hàng hóa.

Để thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra về phát triển đường cao tốc, Chính phủ đã xây dựng kế hoạch đến năm 2025 phải hoàn thành 3000km đường bộ cao tốc. Với khí thế làm việc “xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ”, “vượt nắng, thắng mưa”, “làm việc 3 ca, 4 kíp”, “ ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, nhiều công trình, dự án cao tốc đã vượt qua các khó khăn về giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu xây dựng, thời tiết cực đoan để đảm bảo yêu cầu tiến độ, khánh thành đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư. Cột mốc quan trọng đến cuối năm 2025 sẽ thông toàn bộ tuyến cao tốc từ Bắc đến Nam, mở ra kỷ nguyên đột phá về hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Hệ thống đường cao tốc đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, vận tải hàng hóa, hành khách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, rút ngắn khoảng cách, thời gian đi lại giữa các vùng, miền trên cả nước. Khi được thông toàn tuyến, cao tốc Bắc-Nam sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự kết nối giữa Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TPHCM, cũng như các địa phương nằm trên tuyến đường huyết mạch này; đặc biệt tăng cường kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm: Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ và và ĐBSCL, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đất nước.

Ở lĩnh vực hàng không, dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư khái toán là hơn 16 tỷ USD, chia thành 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, có ý nghĩa rất lớn không chỉ với việc phát triển ngành hàng không, mà tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong lần thứ 4 kiểm tra dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là công trình biểu tượng của nhiệm kỳ này và yêu cầu phát động đợt thi đua hơn 450 ngày để tới ngày 31/12/2025 phải cơ bản hoàn thành dự án (sớm hơn so với kế hoạch trước đây là trong năm 2026), chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, kỷ niệm 80 năm Quốc khánh, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cùng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Liên danh trúng thầu các dự án tại sân bay Long Thành cũng đang nỗ lực hết mình để thi công các hạng mục công trình, phấn đấu vượt tiến độ đề ra.

Quyết tâm hoàn thành mục tiêu đặt ra đối với các dự án trọng điểm về hạ tầng cũng chính là quyết tâm góp phần thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Những công trình hạ tầng, dự án trọng điểm quốc gia sẽ là dấu ấn của tinh thần nỗ lực, khát vọng vươn lên tầm cao làm chủ công nghệ, năng lực thiết kế, thi công, quản trị, khẳng định vị thế phát triển của Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế, đánh dấu sự vươn mình mạnh mẽ của dân tộc trong kỷ nguyên mới./.