Gỡ điểm nghẽn thể chế: Bỏ tư duy “không quản được thì cấm”
Hơn một năm trước, có một câu chuyện hỏi – trả lời, thấy trả lời không rõ lại hỏi…Thế là Thành phố gửi những 584 văn bản để hỏi cấp Trung ương; còn cấp Trung ương trả lời còn nhiều hơn, đến 604 văn bản. Đó là câu chuyện năm 2022 của Thành Phố Hồ Chí Minh và Bộ Kế hoạch Đầu tư. Kết quả là chỉ vài dự án được cấp. Bộ thì cho rằng, đó là hiện tượng né tránh, đùn đẩy, đá lên xong lại ngồi chờ, tức là không làm gì. Còn UBND TP thì cho rằng, nhiều nội dung trả lời không rõ, dẫn đến “không biết sao mà làm” để làm đúng theo thẩm quyền quy định của pháp luật.
Nói về né tránh, đùn đẩy trách nhiệm do quy định không rõ ràng thì đã được dư luận bức xúc từ lâu. Đó cũng là 1 trong những nguyên nhân khiến sau 9 tháng đầu năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công thấp do quy định này vướng quy định kia…
Đây là những ví dụ cho thấy quá nhiều khó khăn, điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Chính vì vậy, Tại Hội nghị Trung ương 10 khóa 13, TBT Tô Lâm đã nhấn mạnh tinh thần tập trung cao nhất cho đột phá về thể chế và phát triển. Trong đó có việc Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", Trung ương, Chính phủ, Quốc hội tăng cường hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát; đồng thời, cải cách triệt để thủ tục hành chính.
Tháo gỡ những điểm nghẽn trong cơ chế, để cho cán bộ, công chức, viên chức không còn tâm lý sợ làm dẫn đến sai, và phát huy được tinh thần dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung… cũng chính là sự trăn trở của người đứng đầu Chính phủ.
Trong mỗi giai đoạn phát triển của đất nước, luật pháp cần được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Nếu không, câu chuyện quyền anh – quyền tôi, quy định luật này vướng quy định luật kia vẫn cứ tồn tại, dẫn đến tuổi thọ của luật ngắn, mới ban hành lại phải sửa… khiến nhiều bộ, ngành quản lý không rõ chức năng, nhiệm vụ, không có phân cấp, phân quyền, vô hình chung tạo ra cơ chế xin – cho.
Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật là vấn đề lớn, khó, cần thời gian, nhưng với quyết tâm rất cao của đảng, Quốc hội, Chính phủ, chắc chắn sẽ không để tình trạng 1 ông chuyên viên có 1 ý kiến khác, là nhiều bộ, ngành họp hết tháng này đến tháng kia cũng không giải quyết được. Sẽ không còn tình trạng địa phương không dám làm mà cứ phải hỏi Bộ.
Khi điểm nghẽn thể chế được tháo gỡ, “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; cải cách triệt để thủ tục hành chính, đề cao trách nhiệm, nhất là của người đứng đầu thì sẽ tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng, minh bạch… Từ đó giúp khơi thông mọi nguồn lực, tranh thủ được tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá./.