Theo quan niệm của Phật giáo, ăn chay là nuôi dưỡng phát thiện, phát triển tình yêu thương rộng lớn với con người và vạn vật, bởi thế ăn chay cũng là một cách biểu hiện lòng trân trọng với sự sống. Qua nhiều năm, món chay đã trở thành một nét văn hóa tinh tế của nhiều vùng miền, trong đó có Hà Nội.
Những món chay được biến tấu đa dạng và cực kì hấp dẫn
Nguyên liệu để làm ra các món chay thường là các sản vật từ thiên nhiên như rau củ, trái cây và đặc biệt là phù trúc (đậu phụ). Điểm đặc biệt trên mâm cỗ chay mà chúng ta dễ dàng nhận ra là sự hiện diện của những màu sắc tượng trưng cho ngũ hành. Bên cạnh các món chay truyền thống như bánh đúc lạc, xôi, giò lụa chay, đậu hũ chay... các món chay ngày càng được sáng tạo để hướng tới cách chế biến công phu, ngon và đẹp mắt, khiến người thưởng thức luôn tìm thấy nhiều cảm giác thú vị.
Để làm ra một mâm cỗ chay người ta thường mất gấp đôi thời gian so với nấu cỗ mặn thông thường. Người đầu bếp càng đặt nhiều tâm tư, tỉ mẩn thì mẫm cỗ càng hoàn hảo, ngập tràn màu sắc rực rỡ.
Hương vị vừa lạ vừa quen mang lại cho thực khách những trải nghiệm ẩm thực đặc sắc
Khoa học đã chứng minh, việc ăn chay rất tốt cho sức khỏe, tăng cường sinh lực, cung cấp đầy đủ năng lượng và cân bằng một cách hài hòa các chất dinh dưỡng trong cơ thể. Ngoài ra, ăn chay còn giúp tránh tối đa các chứng bệnh nguy hiểm như viêm khớp, tim mạch, tăng huyết áp... Vì vậy, việc ăn chay được nhiều quốc gia trên thế giới khuyến khích. Mặt khác, trong đồ ăn chay có ít cholesterol, ít axit béo, nhiều vitamin, có tác dụng chống ôxy hóa nên các món chay rất thích hợp cho những ai muốn có vóc dáng thon gọn.
Người ta tìm đến món chay với nhiều mục đích khách nhau. Người thưởng thức đồ chay như một nét ẩm thực đặt biệt; người ăn chay để hướng tới sự cân bằng, thanh thản trong tâm hồn; ăn chay để bảo vệ, giữ gìn sức khỏe khi có ngày càng nhiều bệnh tật đeo bám con người; ăn chay để bảo vệ môi trường, bảo vệ những loài sinh vật đang dần bị mai một…
Món cuốn thân thuộc
Bắp cải cuốn
Phở bò chay
Măng nhồi hấp ngò gai
Ăn chay cũng là một sự trải nghiệm, là để lắng nghe những câu chuyện về Phật pháp, về nhân quả của con người. Lắng nghe để cảm nhận, để chiêm nghiệm lại cuộc đời, chiêm nghiệm bản thân. Từ đó tìm cho mình một con đường đi đúng đắn hơn, làm tâm hồn trở nên thanh sạch hơn. Đó là những điều mà có lẽ không có nét văn hóa ẩm thực nào làm được ngoài văn hóa ăn chay. Vượt qua cả những giá trị của văn hóa ẩm thực, món chay còn bao hàm cả giá trị của văn hóa tín ngưỡng, văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam.
Ngày nay, các món chay đã xuất hiện ngày một nhiều hơn trong những bữa cơm của gia đình Việt. Giới trẻ cũng đã tiếp cận với văn hóa ăn chay, khái niệm ăn chay không còn trở nên lạ lẫm với những người trẻ tuổi. Họ tìm đến những bữa cơm chay với một sự tò mò để rồi dần dần những bữa ăn chay đã trở thành một điểm đến thường xuyên.
PV/Vietnam Journey