Nhiều làng quê Bắc Bộ đã không còn ăn kẹo lạc, đơn giản chỉ vì có quá nhiều các món ăn vặt, các loại bánh kẹo khác xuất hiện, dường như hấp dẫn hơn.
Nhưng ở Đường Lâm thì khác, bởi Đường Lâm có nghề làm kẹo. Lịch sử nghề làm kẹo truyền thống của Đường Lâm có từ thế kỉ 16, khi bà chúa Mía mở chợ, xây chùa Mía và dạy nhân dân nấu kẹo.
Kẹo lạc ngon được nấu bằng những nguyên liệu do bà con nông dân sản xuất như đường mía, lạc, mạch nha. Chọn lạc có lẽ là khâu quan trọng nhất. Hạt lạc phải chắc mẩy, nhặt thật kỹ để tránh những hạt thối, mốc, rang trên lửa nhỏ cho dến khi chuyển sang màu vàng đều, thơm nức, ăn có vị bùi là đạt.
Mạch nha được khuấy trên lửa vừa cho đến khi nóng lên, rồi cho đường và lạc vào đảo đều. Người thợ phải nhanh tay đảo đều để các nguyên liệu hòa quyện với nhau nhưng cũng phải canh lửa thật cẩn thận, kẹo ngả sang màu vàng nâu là được. Dù công đoạn làm kẹo không quá phức tạp và các nguyên liệu cũng dễ tìm, gần gũi với đời sống nhưng mỗi mẻ kẹo đều đòi hỏi sự chính xác về thời gian và tỷ lệ giữa các nguyên liệu.
Khi hỗn hợp kẹo được như ý, người thợ đổ chúng lên mặt bàn đã phủ một lớp vừng rang thơm lừng để tạo hình kẹo. Người ta cán mỏng kẹo ngay khi còn nóng, rồi sử dụng con lăn đặc biệt để cắt kẹo. Đợi đến khi kẹo nguội là đã có thành phẩm là những chiếc kẹo lạc giòn tan, thơm phức đầy hấp dẫn.
Ngày nay kẹo truyền thống Đường Lâm được cải tiến hơn cho phù hợp với thị yếu của người tiêu dùng. Chủng loại cũng đa dạng hơn, đủ các loại kẹo lạc, kẹo dồi, kẹo vừng và kẹo gạo lứt.
Từ khi Đường Lâm được công nhận là quần thể di tích của quốc gia thì sản phẩm kẹo của làng cũng phát triển hơn, trở thành một sản phẩm du lịch không thể thiếu trong quần thể du lịch này.
Xem thêm về làng cổ Đường Lâm bắt tay xây dựng thương hiệu du lịch.
Thu Hiền/Vietnam Journey