Được làm từ những đôi bàn tay khéo léo và những thứ gia vị đặc trưng, ai ăn gỏi cá Tây Bắc một lần đều muốn thưởng thức thêm nhiều lần nữa.
Để làm món gỏi, nguyên liệu phải chuẩn bị rất cầu kỳ và mất thời gian. Nhiều loại rau thơm và gia vị được chuẩn bị sẵn.
Để có món cá gỏi ngon, hấp dẫn, đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái, đòi hỏi người chế biến phải nắm bắt được quy trình, từ khâu lựa chọn thực phẩm, đến cách pha chế liều lượng sao cho vừa. Gỏi có thể được làm từ nhiều loại cá, song thông thường được chế biến từ hai loại cá: Cá chép và cá trắm còn tươi nguyên, có trọng lượng từ 2 kg trở lên, cá càng to thì càng dễ chế biến, nhất là cá bắt ở sông, suối hoặc cá nuôi ở ao hồ sống trong môi trường nước sạch nhiều năm sẽ cho thịt săn chắc và giòn.
Cá chép, cá trắm, cá trôi loại to đánh vảy lọc bỏ xương, lấy phần thịt và thấm hết nước cá, dùng dao thái lát nhỏ, mỏng. Mục đích để khử mùi tanh, giúp cá nhanh ngấm gia vị.
Sau khi lựa chọn được cá ưng ý, tước da, lọc kỹ xương, không để thịt cá tiếp xúc với nước lã, sau đó dùng giấy trắng bọc miếng thịt để thấm chất tanh, làm khô thịt, rồi thái lát mỏng. Để có gỏi cá ngon, các gia vị rất quan trọng, đó là: Hoa chuối tây thái mỏng ngâm nước, rửa sạch vò cho mềm, rau mùi tàu, rau thơm, húng và hom mu chưn (lá của một loại cây có mùi vị đặc trưng, rất hợp với gỏi cá), ớt tươi, tỏi, lạc rang giã nhỏ, đặc biệt không thể thiếu nước được bà con trưng cất từ măng chua để 3 đến 4 năm.
Hoa chuối rừng là loại hoa chuối có nhiều hạt, vị chát và không đắng. Mang về thái nhỏ và ướp muối khử nhựa rồi ngâm hơn 2 tiếng. Hoa chuối giúp trung hòa để tránh đau bụng với người không quen ăn đồ sống.
Khi đã chuẩn bị xong nguyên liệu, người chế biến dùng liều lượng hợp lý, lấy ít nước đun sôi để nguội pha với nước chua thêm muối tinh và mì chính, đảo thêm ít rau thơm rồi khuấy đều cho tan muối và mì chính.
Đối với người mới ăn, cho thịt cá đã thái mỏng nhúng vào bát nước chua để miếng cá ngấm nước từ 5 - 10 phút, thịt cá sẽ chuyển sang tái, rồi trộn đều với tất cả hoa chuối cùng một số gia vị làm sẵn và múc ra bát tô hoặc đĩa sâu lòng để chứa nước chua.
Với cách làm này sẽ không còn mùi tanh của cá, các miếng thịt cá hòa quyện với hoa chuối, cộng với các gia vị tạo nên mùi thơm lạ của nước chua, vị ngậy thơm của lạc, vị cay của ớt. Còn với người thích ăn cá nguyên bản, sẽ không nhúng thịt cá vào bát nước chua trước mà trộn đều luôn với hoa chuối và các loại gia vị làm sẵn. Ngoài ra, có thể pha thêm một bát nước chua để sẵn dành cho những ai có nhu cầu tăng thêm độ chua cho gỏi cá.
Sau khi cho đầy đủ gia vị, cá được bóp với nước măng chua. Nước chua sẽ làm thịt cá chín. Yêu cầu của hỗn hợp ăn kèm này là có độ chua vừa đủ nhưng phải cay, nồng và có mùi thơm đặc trưng, không tanh.
Phần đầu, xương, lòng cá được chế biến làm nước canh, cho thêm gia vị gừng, tỏi, ớt, xả và lá vón vén nóng sốt khiến mâm cơm thêm sinh động.
Ngoài món gỏi cá trộn của dân tộc Thái còn có món gỏi chấm, tất cả phần thịt cá và gia vị đều giống với món gỏi trộn. Tuy nhiên, chỉ khác là phần thịt cá và hoa chuối sẽ được gói với lá nhội có vị chát sẽ làm giảm chất tanh và chấm với nước chua đã pha chế sẵn. Người ăn có thể điều chỉnh vị chua hay vị cay tùy theo ý, món gỏi chấm cũng được các nhà hàng chế biến và nhiều khách ưa chuộng.
Với đầy đủ nguyên liệu, người ăn cảm nhận được mùi vị khác nhau: giòn của hoa chuối, thơm của các loại rau, ngọt của thịt cá, chua của nước măng, cay của tỏi, ớt, tê nồng của hạt mắc khén.
Món gỏi cá của đồng bào dân tộc Thái đã trở thành món ăn đặc sắc và mang đậm nét văn hóa ẩm thực riêng biệt trong bữa cơm của mọi gia đình từ xưa đến nay, nhất là trong những ngày lễ, ngày tết không thể thiếu món ăn này.
Theo petrotimes.vn