Văn hóa uống bia ăn nhậu phổ biến ở cả hai miền Triều Tiên. Tuy nhiên, khẩu vị và văn hóa ăn nhậu ở cả hai miền cũng có đôi chút khác biệt. Người xem tinh ý có thể dễ dàng nhận ra điều này qua bộ phim "Hạ cánh nơi anh".
Tác phẩm đang gây sốt khắp châu Á với sự góp mặt của Hyun Bin và Son Ye Jin, kể về câu chuyện tình cảm éo le của cô nàng rich kid con nhà tài phiệt Hàn Quốc và chàng đại úy soái ca Triều Tiên. Yoon Se Ri (do Son Ye Jin thủ vai) vô tình mắc kẹt Triều Tiên và được Ri Jeong Hyeok (do Hyun Bin đảm nhận) cưu mang trong ngôi làng của mình. Từ trải nghiệm của nàng Yoon Se Ri ở Bắc Hàn, người xem có thể nhận ra được nhiều điểm thú vị về đất nước bí ẩn Triều Tiên, trong đó có văn hóa ăn uống.
Se Ri đến từ Hàn Quốc nên gặp khá nhiều điều bất ngờ khi sống ở Triều Tiên. Trong tập 5, khi cô nàng "thất tình", hội chị em trong làng đã đổ xô tới nhà cô để an ủi, động viên. Mỗi người đều mang theo một chai bia cùng với những con cá khô cỡ lớn. Nếu như ở Hàn Quốc, Se Ri quen uống bia và ăn gà rán thì ở Bắc Hàn, người ta lại uống bia và ăn cá khô. Người dân Triều Tiên có hẳn một từ để gọi riêng món ăn này là ghép của từ "cá" và "bia". "Cá bia" không chỉ là từ chỉ 2 món đồ ăn thức uống mà còn trở thành văn hóa ở Triều Tiên khi muốn rủ nhau ăn nhậu và tâm sự.
Theo nhân vật người phụ nữ trong thôn, "cá minh thái khi nhậu với bia là một cặp đôi hoàn hảo". Cá minh thái hay còn gọi là cá pollock, thường xuất hiện ở vùng biển lạnh như Alaska hay biển Hàn Quốc - Triều Tiên. Chúng thường được phơi khô trên bãi biển cho "ngậm nắng, phơi sương" sau đó dùng làm món nhậu hoặc nấu canh. Cá minh thái cũng khá phổ biến cả ở Hàn Quốc và được xuất khẩu.
Se Ri lần đầu ăn "cá bia" ở thôn làng Triều Tiên
Triều Tiên cũng rất nổi tiếng với loại bia mang tên dòng sông Đại Đồng ở Bình Nhưỡng. Bia Đại Đồng thậm chí còn từng tham gia nhiều lễ hội bia trên thế giới như lễ hội Copenhagen (Đan Mạch).
Triều Tiên có hơn 10 nhà bia cỡ lớn và nhiều phân xưởng bia nhỏ để phục vụ người dân. Trung bình, một người đàn ông Bình Nhưỡng uống bia ít nhất một lần mỗi tuần. Khi văn hóa bia phát triển, những người này lui tới các quán bar sau sau giờ làm việc, uống một vài vại bia và sau đó về nhà. Thương hiệu hàng đầu là bia lager Taedonggang (Đại Đồng) thuộc sở hữu của nhà nước.
Trong ngày cuối cùng trước khi rời khi, Se Ri đã "nài nỉ" Hyeok đưa mình tới quán để thưởng thức loại bia trứ danh này mà cô từng biết đến khi còn ở Seoul. Không gian quán bar cũng khá điển hình ở Bắc Triều Tiên với phong cách khá "nghiêm túc". Các bàn thấp, đặt sát nhau. Nhân viên diện trang phục kiểu quân đội, với mũ ca lô, để phục vụ thực khách.
Se Ri được Hyeok đưa tới quán bar chuẩn Triều Tiên ở Bình Nhưỡng
Văn hóa uống bia ở Hàn Quốc lại có đôi chút khác biệt. Người dân có có thói quen nhậu bia với gà rán và cũng có hẳn một từ riêng để chỉ loại hình này. "Chimaek" được ghép từ "chicken" trong tiếng Anh nghĩa là "gà" và "maekju" trong tiếng Hàn, nghĩa là bia.
Những du khách từng đến "xứ sở của các oppa" hẳn từng gặp những quán bia gà ở ven đường. Các nam thanh nữ tú hẹn nhau tại quán, cùng uống những vại bia lớn và ăn gà rán rán giòn với đủ hương vị. Người Hàn trước đây quen ăn gà nướng nhưng khi tiếp xúc với văn hóa Mỹ, thói quen ăn uống đã đổi sang các loại gà rán kiểu Âu nhưng kết hợp với gia vị Hàn, từ những năm 1970, hình thành nên món ăn gà bia như ngày nay.
Người dân Hàn cũng nhận định, bộ đôi gà rán và bia rất "hoàn hảo" và trở thành một phần văn hóa ăn nhậu ở Hàn Quốc. Ở Daegu, một lễ hội dành cho bia gà được tổ chức vào mùa hè, thu hút nhiều khách du lịch. Tại World Cup 2002 tổ chức ở Nhật Bản và Hàn Quốc, người Hàn đã nỗ lực đưa văn hóa chimaek ra thế giới. Hiện nay, bạn có thể bắt gặp nhiều nhà hàng chimaek ở nhiều quốc gia. Giới trẻ Hàn có thể rủ nhau đi "bia gà" vào bất kỳ thời điểm nào trong năm nhưng lý tưởng nhất vẫn là vào những ngày hè nóng nực, rủ nhau ra bờ sông Hàn để thưởng thức.