Măng bói (tiếng Thái gọi là “Nó bói”) rất quen thuộc với người dân ở Sơn La nói riêng và một số tỉnh Tây Bắc nói chung. Cây măng bói không chọn đất, dễ trồng, tuy nhiên trồng được ở những nơi đất tốt, ẩm ướt, khí hậu mát mẻ thì tre, măng sẽ phát triển tốt hơn, củ măng sẽ to hơn, ngon hơn.
Măng bói vị ngọt, mềm, tính lành, dễ chế biến. Măng tươi có thể để được lâu ngày trong tủ mát. Trước khi nấu ăn, bóc phần lá cứng bên ngoài, cắt bỏ đi phần gốc già rồi nấu xôi, chín là ăn được. Măng không bị he, phải thay nhiều lần nước luộc, hay xào nấu thật kỹ mới ăn được giống như một số loại măng khác khi chế biến.
Măng bói mọc từ khoảng tháng 4 đến tháng 11 dương lịch, rộ nhất là mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 9. Để nguồn măng luôn được dồi dào, bụi măng không bị lụi, bà con thường đào tỉa lấy những củ măng mọc phía trong bụi tre, để lại các củ măng mọc phía ngoài cho phát triển thành tre. Hiện nay, theo nhu cầu của thị trường, nhiều hộ dân ở Sơn La đã trồng thêm nhiều gốc măng bói, vừa để cải thiện bữa ăn hàng ngày, vừa đem bán tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Lâu nay trong các nhà hàng kinh doanh món ăn dân tộc ở Sơn La không thể thiếu món măng này để phục vụ thực khách. Mỗi lần lên Sơn La vào mùa măng, nhiều người còn mua về làm quà biếu anh em, bạn bè, người thân như một loại đặc sản vùng miền.
Đến với Sơn La - Tây Bắc, ngoài tham quan, du lịch, du khách đừng quên thưởng thức măng Bói, một món ăn dân dã đậm đà hương vị riêng của núi rừng.
Tòng Đức Anh/VOV Tây Bắc