Chả mực giã tay Hạ Long là một đặc sản không thể bỏ qua, đặc biệt vào dịp Tết
Rất nhiều người đã chọn món mực giã tay Hạ Long để nhâm nhi trong các bữa tiệc dịp Tết, vì đây là một trong những đặc sản thuộc vào hàng ngon nhất Việt Nam.
Ít người Hạ Long chính gốc có thể khẳng định chả mực có từ bao giờ, chỉ nghe rằng đây là nghề truyền thống, được người dân chế biến từ loại mực nang đánh bắt trên vùng biển vịnh Hạ Long.
Ngư dân quanh vịnh làm chả mực từ lâu đời, có nơi chế biến thành miếng lớn như chiếc đĩa, khi ăn cắt thành từng dải. Nhưng để có hình dáng tròn nhỏ gọn, hương vị độc đáo vừa ăn vừa miệng như hiện nay thì phải kể đến công sức của đầu bếp từng phục vụ du khách nước ngoài từ thời Pháp thuộc, trong đó có cụ Tài Lễ.
Chả mực Hạ Long từng miếng vừa ăn, có màu vàng tươi và hương vị độc đáo
Mực nang trên vịnh Hạ Long vốn dày mình, ngon ngọt nức tiếng nhờ "chất nước" không đâu có. Mực tươi đánh lên tầm 1- 4kg, rửa sạch, loại bỏ mai, nội tạng, ruột, râu đen, bầu mực và lau khô ráo. Đến đây, khâu chế biến mới quyết định sự khác biệt của món ăn này so với chả mực của mọi vùng biển trên cả nước.
Cả con mực được cắt thành từng miếng lớn, cho vào cối lớn và giã bằng tay, khiến các lát thịt mực không nát bấy mà quyện vào nhau một cách dẻo dai, hài hòa. Trong lúc giã đều tay cho thêm bột nếp cái hoa vàng, hạt tiêu vỡ, chút gia vị ngấm đều, tăng sự kết dính.
Miếng chả thành phẩm vừa chắc, vừa dai, vừa mềm mại lại không nhão, bở bùng bục. Tất nhiên, với lượng sản phẩm "khổng lồ" ra lò như hiện nay, các cửa hàng chế biến tại địa phương không còn giã tay 100%, nhưng việc giã cối một phần là điều bắt buộc, tạo nên độ ngon lạ lùng của chả mực Hạ Long.
Giã tay trong cối đá là một trong những tiêu chuẩn bắt buộc tạo nên chất lượng khác biệt của món ăn này
Khi đã đủ độ dính, có miếng còn giã hơi rối sần sật, người chế biến nặn chả thành từng miếng tròn mỏng, nhỏ chừng lòng bàn tay, thả vào chảo dầu chiên sơ. Rán chả mực cũng phải có nghề để cả miếng chả chuyển màu vàng tươi, lửa đủ to để không bị xẹp khi nguội, đủ nhỏ để không cháy xém, phập phồng chín tới. Chín tới là bởi vì món này không ăn ngay, các gia đình, nhà hàng thường mua về, rán lại và ăn nóng.
Chả mực chỉ chiên đảo chút dầu thôi là đủ thơm điếc mũi, cắn miếng nào thấm miếng ấy, vừa ngọt vị mực tươi lại vừa ngấm hạt tiêu, gia vị hơi cay nồng, dai mềm mượt, giòn sần sật. Chả ăn không đã ngon, chấm thêm chút nước mắm nguyên chất có chút tiêu xay, ăn kèm xôi trắng, bánh cuốn càng chuẩn vị.
Chả mực Hạ Long rất dễ tìm mua tại nhiều quầy hàng và thưởng thức trong các quán ăn, nhà hàng tại Hạ Long
Ở Hạ Long không thiếu những cơ sở làm chả mực. Đến chợ Hạ Long, Vườn Đào, Cái Dăm, dãy chả mực vàng ruộm cả một góc, chủ hàng thoăn thoắt rán gắp từng miếng chả, mùi thơm lan tỏa khó chối từ.
Các thương hiệu như Thoan, Hiền Nhung, Hoài Phương, Kim Thoa, Trung Huynh... đã quen thuộc với nhiều du khách. Mỗi nơi làm có một vị, không nơi nào giống hẳn nơi nào và cũng tùy gu khoái khẩu của từng người.
Vào mùa du lịch, mỗi cửa hàng có thể bán được cả trăm kg, rất tiện lợi vì hút chân không, đóng gói đẹp mắt để khách mang đi xa, làm quà biếu.
Chả mực Hạ Long không hề rẻ. Mỗi kg dao động từ 300 nghìn đồng cho tới nửa triệu. Thực khách yêu thích món ăn đặc sản này, chẳng phải vì nó lọt top 50 món ăn đặc sản Việt Nam.
Vì thế, nếu đến Hạ Long những ngày đầu năm mà nghe mùi thơm chả mực nức mũi trong mâm cơm đãi khách, đừng có ngại xui xẻo, bởi vì bạn đã được coi là khách quý của gia chủ rồi đó.
Theo thanhnien.vn